Thăng trầm… vẫn bám nghiệp

04/01/2019 | 08:20 GMT+7

Kể về cuộc đời theo nghiệp tài tử của mình, nghệ nhân Phúc Tần (ảnh), ở phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, cho rằng đó là cái duyên. Dù cuộc sống có như thế nào, thì đờn ca tài tử đã gắn chặt với ông như hình với bóng...

Chọn Long Mỹ để gắn bó…

Quê ông ở tận cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ), nhưng về thị xã Long Mỹ lập nghiệp khi lập gia đình và xem đây là quê hương thứ hai của mình…

Ông biết rằng cái nghề đờn khó lòng nuôi được gia đình, nên bắt tay cùng vợ buôn bán để trang trải cuộc sống. Trải qua những ngày tháng gian khó để nuôi nấng ba người con nên người, có một khoảng thời gian dài ông không còn thời gian ít ỏi để rèn luyện ngón đờn cho thỏa đam mê. Cũng buồn lắm, nhưng vì mưu sinh biết phải làm sao. Được cái, đi đám tiệc, người ta hát hò, mình cũng tham gia. Nhờ vậy, thỉnh thoảng được hát, nghe đờn cũng thỏa lòng…”, ông nhẹ nhàng.

Ông nói vậy, nhưng mấy chục năm nay, ông vẫn chưa bao giờ bỏ đờn ca tài tử. Cái nghiệp này đã gắn với ông từ thuở nằm nôi, được nghe tiếng đờn cò của ông nội, đờn kìm của cha và giọng ru ầu ơ ngọt ngào của mẹ. Tất cả đều được tích lũy và lớn dần, trở thành máu thịt và ông đã chọn nó như một cái duyên. Ông kể: “Ở quê tôi hồi đó phong trào đờn ca tài tử phát triển dữ lắm. Rồi gia đình tôi nữa, ai cũng biết đờn ca, nên tôi cũng được thừa hưởng. Nhưng mà đờn ca tài tử chỉ là sau này, tìm hiểu rồi chuyển hẳn qua luôn. Chứ thời thanh niên, tôi học đờn guitar nhạc, rồi đánh trống nữa”.

Những năm đầu sau giải phóng, quê ông nổi lên phong trào văn hóa, văn nghệ. Sẵn có cái nền và niềm đam mê, ông đi học các nhạc cụ tân nhạc để cùng những người thanh niên trong xóm đi đờn, ca giải trí vào những giờ nông nhàn. Cũng có một khoảng thời gian ông tham gia vào phong trào văn nghệ ở địa phương. Rồi khi lập gia đình, ông về Long Mỹ lập nghiệp và bắt đầu cho mình một hành trình khác dài hơi hơn, là chăm chút và nuôi các con nên người.

Được phát huy niềm đam mê

Rồi các con của ông dần lớn lên, cuộc sống cũng dễ thở hơn, có người phát hiện ông hát tài tử rất hay nên giới thiệu, vậy là hơn 20 năm nay, ông tham gia và không chỉ trở thành giọng ca tài tử hiếm hoi, mà còn là người làm chủ cây đờn tranh, đờn kìm được nhiều người biết. Có lẽ vì niềm đam mê có sẵn được truyền từ đời này sang đời khác, nên lúc đầu ông chỉ học nhạc cụ tân nhạc. Nhưng rồi, khi tìm hiểu về tài tử, thử cây kìm, cây tranh, ông sẵn sàng chọn đây sẽ là hai loại nhạc cụ ông gắn bó. Ông nói càng tìm hiểu về các bản đờn tài tử, ông càng thấy hay và say mê. Ông học từ bạn bè, đồng nghiệp, từ những nghệ nhân tài tử dày dặn kinh nghiệm rồi tự nghiên cứu để tiếng đờn ngày một sắc; thả hồn vào từng lời ca, điệu đờn để tiếng rao đờn thêm ngọt, thêm mùi…

Ông còn là thành viên tích cực, có mặt trong nhiều cuộc thi đờn ca tài tử ở địa phương, tỉnh và cả khu vực. Ông cũng từng đạt một huy chương bạc tại Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ. Các cuộc thi đờn ca tài tử trong tỉnh, ông cũng hỗ trợ địa phương lúc đờn kìm, khi đờn tranh. Ông nói: “Lúc đầu tôi chọn đờn kìm, nhưng rồi thấy không ai đờn tranh tiếp tục nghiên cứu học và chinh phục cây đờn này. Mỗi một cây đờn mang đến cho tôi một cảm xúc rất khác nhau. Gặp được giọng hát tài tử hay nữa thì thăng hoa lắm…”. Rồi khi không đủ người hát, ông cũng hát luôn. Ông nói, chất giọng của ông hợp với những bài hạ, vọng cổ nhịp 16…

Năm nay, ông đã 64 tuổi, nhưng vẫn còn rất phong độ. Ông còn chạy xe máy đi đờn khắp nơi, có khi giao lưu ở các huyện, thị, thành trong tỉnh, rồi đi tận miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu. Với ông, được đi, được gặp những tâm hồn đồng điệu, được đờn ca để thỏa đam mê chính là niềm vui tuổi già. Cùng với đó, dù không còn quá bận bịu chuyện cơm, áo, gạo, tiền, nhưng ông vẫn bám trụ với quán ăn của gia đình, giúp đỡ các con buôn bán, cũng là để tăng thêm nguồn thu nhập cho chính mình để an dưỡng tuổi già. Với ông, vậy đã là mãn nguyện. Tôi hỏi ông sao không truyền nghề cho ai, ông cười hiền: “Tôi hổng có muốn làm thầy ai hết. Nhưng ai thích, hỏi thì tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm mình tích lũy. Vậy thôi…”.

Niềm đam mê tài tử vẫn còn nguyên vẹn và chính sự thảnh thơi của tuổi già càng làm cho ông hăm hở vác cây đờn trên vai mỗi khi tìm được những tâm hồn đồng điệu…

   Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>