Thắp truyền ngọn lửa đam mê…

22/03/2019 | 09:08 GMT+7

Nghệ nhân Trương Việt Cường (ảnh), ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, kế thừa nguyên vẹn niềm đam mê đờn ca tài tử từ những người trong gia đình nhiều thế hệ. Dù vậy, ông xác định rằng đây sẽ là nghiệp. Mà là nghiệp thì phải chọn cho mình một nghề để ổn định cuộc sống, mới có thể sống trọn với đam mê...

Tôi biết nghệ nhân Việt Cường rất tình cờ, khi ông đến xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ tham gia sinh hoạt tài tử. Anh cười tươi: “Mấy anh em chúng tôi là vậy đó. Tìm được người tri âm là xa mấy cũng đến. Gặp nhau, được đờn, được ca là niềm hạnh phúc…”. Rồi ông kể cho tôi nghe câu chuyện về nghiệp đờn ca của mình. Gia đình ông có truyền thống đờn ca tài tử. Ông nội rồi đến ba ông đều là những người mê thích đờn và ca từ thời chống Pháp, đánh Mỹ. Đến phiên các anh em của ông ai cũng biết đờn, ca và rất đam mê. Ông thì mê cây guitar phím lõm, nên từ nhỏ, đã được tạo điều kiện để tiếp cận, rồi cùng mọi người tham gia đờn ca ở địa phương mỗi khi có dịp gặp nhau. Có thời gian lên Sài Gòn, theo học những nghệ nhân đờn nổi tiếng. Sau giải phóng, ông từng phục vụ trong quân ngũ, rồi đi đờn cho các đoàn hát. Sau đó, trở về trụ lại ở quê, gầy dựng phong trào và tham gia truyền nghề…

Nghệ nhân Việt Cường chia sẻ, dù đam mê, nhưng ông xác định đây là nghiệp phải đeo mang, nên tìm lấy một cái nghề để có cuộc sống ổn định. Vốn khéo tay, ông học may và thạo nghề với một tiệm may của riêng mình, để chăm chút cho gia đình, nuôi dạy các con khôn lớn. Cuộc sống có ổn định, niềm đam mê của ông mới có điều kiện phát huy tối đa. Ông cảm thấy rất hạnh phúc vì suy nghĩ này thời còn rất trẻ, giúp ông an tâm sống hết lòng cho niềm đam mê. Bởi ông biết rằng, mình chẳng thể nào bỏ được nghiệp. Niềm hạnh phúc của ông được nhân lên rất nhiều, khi anh em ông đều là những nghệ nhân đờn, ca ở địa phương. Vì thế, mỗi dịp anh em có dịp gặp nhau, hay những dịp lễ, tết tụ họp về là đã có một buổi sinh hoạt tài tử vui vẻ, ấm cúng.

Nhắc đến nghệ nhân Việt Cường, khá nhiều người chơi đờn ca tài tử ở Hậu Giang biết bởi ngón đờn điêu luyện và niềm đam mê bền bỉ. Đến tận bây giờ, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, niềm đam mê ấy chưa bao giờ ít đi, mà ngày càng tràn đầy, tiếp thêm năng lượng để ông sống vui, sống khỏe sau mấy chục năm cống hiến. Không chỉ đam mê, ông còn tìm kiếm và phát huy những hạt nhân, nhất là những người trẻ, để cùng góp chút sức thắp lên ngọn lửa. Từ đó, ông luôn rèn luyện ngón đờn cho sắc bén, đờn hết những bài bản tài tử, rồi ai thích, ông sẵn sàng truyền nghề không hề tính thiệt, so hơn. Ở địa phương cần trong các hội thi, hội diễn, nghệ nhân nhiệt tình tham gia, như một cách để gặp gỡ, giao lưu với những nghệ nhân, học hỏi từ họ những kinh nghiệm hay để trau dồi ngón đờn. Với ông, cả đời này học cũng không bao giờ hết. Mỗi nghệ nhân đều có cái hay riêng. Càng học nhiều, mình càng có nhiều biến hóa trong cách đờn, cộng với những trải nghiệm trong cuộc sống, làm tiếng đờn càng thêm sâu lắng.

Ở tuổi gần 60, nghệ nhân thấy mình chưa hề mệt mỏi và hài lòng với niềm đam mê của mình. Ông nói: “Trong thời gian tới, tôi sẽ dành thời gian để truyền nghề nhiều hơn. Mỗi người góp một chút thì đờn ca tài tử sẽ được bảo tồn và phát huy”. Những người có niềm đam mê là vậy. Họ luôn khát khao được gặp gỡ, giao lưu, được mang tiếng đờn, lời ca để không chỉ thỏa niềm đam mê, mà góp phần làm đẹp cho cuộc đời. Họ còn mong muốn ngọn lửa đam mê này sẽ cùng được thắp và được cháy sáng mãi, bởi đó tình yêu nghệ thuật của những con người dành trọn cuộc đời theo nghiệp…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>