Thỏa chí đờn ca

06/07/2018 | 08:30 GMT+7

Hơn 30 năm gắn bó với tài tử, nghệ nhân Trần Văn Hải (ảnh), ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, là một trong những nghệ nhân đờn có nhiều điểm đặc biệt.

“Già nghề” vậy, nhưng những lần tập huấn, ít khi nào vắng anh.  Anh nói nghề này phải học hoài, rèn hoài. Mỗi người đều có cái hay để cho mình học…

Đam mê được chắp cánh

Dù cha mẹ không ai biết tài tử, nhưng hồi còn nhỏ, ở xóm anh, phong trào văn nghệ phát triển mạnh, hai người chị gái của anh cũng tham gia, nên anh có dịp theo chị mình nghe hát. Thấy anh nhìn chăm chú, ai cũng tưởng anh nghe hát, đâu ngờ anh chỉ ngắm anh đờn. Anh nói: “Thấy họ sao mà tài quá. Từ một cây đờn gỗ với mấy cọng dây thôi mà đờn lên tiếng nên tôi khoái lắm, nhìn không biết chán. Lúc này tôi 14 tuổi. Thấy tôi mê, ba tôi nói sẽ tìm thầy cho tôi học, nhưng phải hứa là học hành đàng hoàng. Tôi đồng ý ngay…”. Vậy là một buổi đến trường, một buổi anh đến nhà nghệ nhân Nguyễn Ngọc Ẩn học, ròng rã suốt 4 năm trời để học. Càng học, anh càng quyết chí chinh phục và làm chủ cây guitar phím lõm. Nhiều nghệ nhân đờn tôi từng gặp thường biết đờn nhiều nhạc cụ, nhưng anh có điều đặc biệt là chỉ biết một cây đàn. Anh nói, từ nhỏ, đã thích mỗi cây này, nên cũng chưa bao giờ có suy nghĩ phải học cây khác. Cứ vậy, anh học rành, rồi cùng với thầy mình đi sinh hoạt tài tử…

Được học, được giao lưu nhiều nghệ nhân, càng thắp lên niềm đam mê tài tử. Anh dần dần đờn một cách nhuần nhuyễn các bản đờn tài tử. Anh còn nghiên cứu những ngón đờn của các nghệ sĩ tài năng để học. Anh nhớ lại, hồi đó, chỉ nghe đờn trên radio rồi đờn lại. Sau này, có điều kiện, anh tìm mua sách để nghiên cứu thêm, làm cho ngón đờn của mình ngày một hay hơn. Rồi anh tham gia công tác ở địa phương. Năm 1999, anh về đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Vị Thủy làm nhạc công và gắn bó nơi này cho đến bây giờ. Nhiều năm nay, ngoài việc làm chính, anh còn được giao thêm nhiệm vụ gầy dựng phong trào đờn ca tài tử ở địa phương. Nhờ anh, không chỉ CLB đờn ca tài tử của huyện thành lập, ở các xã, ấp, nơi nào tập hợp được lực lượng nghệ nhân đủ để thành lập CLB, anh đều hỗ trợ để các CLB hoạt động đều đặn, chất lượng. Giờ, ở các xã: Vị Thắng, Vị Đông, Vị Thanh, Vị Thủy, Vĩnh Thuận Tây…, phong trào đờn ca tài tử phát triển khá mạnh. Những nhân tố mới ở các nơi này cũng được phát hiện kịp thời để bổ sung nguồn cho phong trào ở địa phương…

Đi đờn không phải để kiếm tiền…

Phần đông những nghệ nhân đờn, ca đều khá chật vật với cuộc sống. Nghề của họ cũng không kiếm được nhiều tiền để chu toàn cho gia đình, vì thế, họ tranh thủ thời gian đi đờn, ca ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. Với nghệ nhân Trần Văn Hải, cuộc sống khó không làm anh nghĩ đến việc đi đờn để kiếm tiền. Anh chia sẻ, đờn phải gặp những tâm hồn đồng điệu thì mới hay. Anh mê đờn chứ không nghĩ đây là công cụ kiếm sống. Vì thế, ngoài lương của một nhạc công, anh làm thêm mấy công ruộng, vợ anh cũng có việc làm với đồng lương tạm ổn. Từ đó, cuộc sống gia đình trôi qua khá nhẹ nhàng. Hồi các con còn nhỏ, cũng có nhiều khó khăn, nhưng giờ, các con đã lớn, có công ăn việc làm ổn định, nên cuộc sống cứ vậy bình lặng trôi qua.

Công việc nhạc công không quá khắt khe về thời gian, lại được gia đình ủng hộ, chia sẻ, nên anh càng có nhiều thời gian đi đờn, ca, gặp gỡ những người cùng niềm đam mê. Anh hài lòng với cách sống của mình… Giờ, niềm trăn trở của anh chính là việc truyền dạy cho những người yêu thích đờn, nên anh càng đi về cơ sở nhiều hơn. Ở đâu có những người biết đờn, ca là anh tìm đến, để cùng sinh hoạt, cùng thắp lên ngọn lửa đam mê. Ở đâu có nghệ nhân ca mà thiếu người đờn, anh sẵn sàng hỗ trợ.

Những ngày cuối tuần, anh cũng nhận vài học trò về dạy tại nhà. Học đờn cần sự kiên trì, nhẫn nại, nên số người thành công cũng không nhiều, nhưng được dạy và thấy vẫn có người đam mê là anh vui và quyết tâm truyền nghề, thắp thêm ngọn lửa đam mê, để cùng góp chút công sức gầy dựng phong trào đờn ca tài tử ở địa phương…

Không chỉ gầy dựng phong trào ở địa phương, nghệ nhân Trần Văn Hải từng góp mặt trong nhiều hội thi, hội diễn đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh. Giải thưởng cao nhất anh đạt là nghệ nhân đờn xuất sắc tại Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ năm 2005 diễn ra tại Hậu Giang.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>