Ước mơ được thắp truyền ngọn lửa đam mê

12/10/2018 | 10:28 GMT+7

Nhà nghèo, đam mê từ nhỏ nên anh quyết tâm không tiếp tục con đường học vấn mà đi học đờn cổ để làm nghề chính. Và, anh đã gắn bó với nó gần cả cuộc đời. Giờ, khi đã về hưu, anh lại tính đến chuyện truyền nghề cho những ai thật sự thích. Anh là nghệ nhân Nguyễn Văn Minh (ảnh), thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A.

Đã nghỉ hưu, nhưng ngón đờn của anh khó tìm người thay thế, nên anh vẫn về để tập dợt phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền ở địa phương. Những ngày này, anh tất bật đờn cho đội tuyên truyền lưu động tập, chuẩn bị cho hội thi sắp diễn ra. Anh cười tươi: “Làm mấy chục năm, giờ ở nhà buồn chết. Nên ai kêu là tôi đi đờn liền. Mình cũng luyện được ngón đờn, chứ nghề đờn mà không tập hàng ngày thì hỏng”. Rồi anh cầm cây đờn ghi-ta phím lõm dạo một câu vọng cổ ngọn lịm với ngón đờn sắc của một người mấy chục năm gắn bó với cây đờn. Trong dòng cảm xúc, anh kể cho tôi nghe về cái nghiệp đã khiến anh chọn cây đờn để theo cuộc đời mình và hạnh phúc về điều này.

Ít khi có hoạt động văn nghệ nào mà Châu Thành A tham gia vắng mặt anh, bởi nghệ nhân đờn giỏi như anh ngày một ít, tâm huyết và sống trọn với nghề nghiệp lại càng ít hơn. Thế nhưng với anh, dù cuộc sống có khó khăn, vất vả, nhưng làm được điều mình thích là anh thấy vui và hạnh phúc. Anh kể, năm 1983, anh tham gia vào đội thông tin lưu động huyện Châu Thành (giờ là quận Cái Răng, Cần Thơ), bắt đầu làm tất cả các công việc, từ chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, treo cờ, băng rôn tuyên truyền…, ngoài việc chính là đờn cổ. Khi chia tách huyện Châu Thành A, anh về đây và tiếp tục bám trụ cho đến ngày về hưu cách nay mấy tháng. Cả một quá trình mấy chục năm với đủ buồn vui, anh nghiệm ra rằng, làm công việc mình thích, dù cực khổ cũng sẽ vượt qua…

Anh nói, từ nhỏ, anh nghe trên radio, đã rất khoái âm thanh trầm bổng, đầy cảm xúc của cây đờn hạ uy di, nên quyết tâm học. Rồi may mắn trong một dịp, anh được gặp nghệ sĩ đờn hạ uy di nổi danh Hoàng Ân (đã mất) ở Sài Gòn, trong chuyến thực tế về miền Tây, được ông chia sẻ mấy “chiêu độc” của ngón đờn điêu luyện, càng khiến anh say mê. Thời đó, chỉ nghe radio rồi đờn lại, đâu có sách vở. Anh còn học từ bạn bè, rồi tự mày mò luyện ngón. Cây đờn mà anh chọn cũng hiếm người biết càng kích thích anh rèn nhiều hơn. Sau khi thạo, anh còn học thêm cây đờn ghi-ta phím lõm và sến để phục vụ cho công việc chuyên môn. “Mỗi cây đờn đều có cái hay của nó, mình muốn đờn giỏi phải say mê tìm hiểu và cần mẫn với nó, đặt hết tình yêu, tâm huyết. Chứ học đờn mà vài tháng nghỉ sẽ khó lòng mà giỏi được”, anh chia sẻ. Có lẽ vì thế mà việc dạy của anh càng khắt khe hơn. Anh nói không dạy thì thôi, dạy thì phải thật tâm và người học phải đam mê thật sự. Ai hội đủ những yêu cầu của anh, anh sẽ truyền lại hết những ngón đờn mà mình tích lũy suốt mấy chục năm qua…

Nói về tài tử, anh cho biết, anh chỉ mới tìm hiểu sâu về tài tử khoảng gần 10 năm nay, cũng chưa thuộc hết những bài bản tài tử, nhưng đang quyết tâm nghiên cứu sâu hơn để đờn cho chuẩn. Anh cũng từng đờn cho nhiều nghệ nhân ca, nhưng nhiều bản khó phải cần nghiên cứu trước khi đờn. Anh quan niệm rằng, đối với môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc, phải hiểu đúng, đờn đúng thì mới phát huy hết cái hay, cái độc đáo của nó. Vì thế, anh vẫn tiếp tục ra sức học hỏi, tập luyện để ngón đờn giữ được phong độ. Giờ, anh đã nghỉ hưu, khoảng thời gian rảnh nhiều hơn, để tiếp tục nghiên cứu để cùng góp phần thắp truyền niềm đam mê tài tử.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>