14 tuổi - Một buổi học, một buổi chăm cha bệnh tâm thần

26/12/2019 | 10:24 GMT+7

Dù hoàn cảnh rất đáng thương, nhưng em Trần Hữu Nghị, học sinh lớp 8A4, Trường THCS Trịnh Văn Thì (phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ), vẫn cố gắng vượt khó học tốt, giúp đỡ bà nội, lo cho cha bị tâm thần. Em chỉ mong con đường đến trường ít chông gai, để em có cơ hội học thêm nhiều cái chữ, học cái nghề lo cho cha và bà nội sau này.

Nhìn bạn bè được cha mẹ quan tâm, nhiều khi Nghị cũng muốn vậy, nhưng em tự biết hoàn cảnh mình không cho phép…

Năm nay, ông Trần Văn Ân - cha của Nghị, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, đã 48 tuổi, nhưng 14 năm qua sau di chứng của tai nạn giao thông, ông trở thành người bệnh tâm thần, liệt một phần cơ thể, mọi chuyện ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày đều phải có người trông coi. Mỗi ngày, ông Ân thường nằm trên cái võng bên hiên căn nhà đã dột nát. “Bữa nào nắng nóng hay thời tiết thất thường, cha con hay quạo lên, có lúc rượt bà nội và con đánh, cầm cây đánh, cầm dao chém nữa. Nhưng vì cha đi đứng không vững nên con và bà nội chạy kịp. Cứ lâu lâu cha lại như vậy”, Nghị bộc bạch.

Hoàn cảnh gia đình em Nghị ở xóm này ai cũng biết, cảm thương cho số phận của em và rất khâm phục nghị lực vươn lên của cậu bé mới 14 tuổi này. Bà Lê Thị Cúc, bà nội em đã gần 70 tuổi, lâu nay cưu mang hai cha con. Mỗi ngày, mâm bánh đủ loại bánh bò, da lợn, ít trần… được bà rong ruổi đi bán từ nhà ra đến 3km phía UBND phường Vĩnh Tường để bán. Ngày nào bán đắt, hết bánh, lời được vài chục ngàn đồng lo bữa ăn cả nhà, thuốc thang cho con trai.

Trước đây, ông Ân khi lập gia đình vẫn sống cùng mẹ là bà Cúc, nhà cặp Quốc lộ 61B, nên bà Cúc có cho con trai một phần đất trước nhà để mở tiệm nước giải khát, tạp hóa nho nhỏ, sau đó hai vợ chồng đi lên Thành phố Hồ Chí Minh làm ăn, không lâu sau thì xảy ra tai nạn… “Lúc thằng Nghị đẻ chưa giáp thôi nôi, cha nó bị tai nạn giao thông, mất một phần não, có đi chữa chạy nhưng hoàn cảnh vậy đi trị đâu có đến nơi đến chốn. Con trai tôi gần như bị liệt một bên, bị tâm thần, có những lúc nói chuyện nghe được lắm, nhưng có khi lên cơn chửi bới, rượt bà cháu tôi đánh. Sống riết quen, chứ ban đầu sợ lắm!”, bà Cúc trầm ngâm.

Bà Cúc chia sẻ, cuộc sống trước khi con trai bị tai nạn tạm được, không đến nỗi khốn khó, dù nhà không đất ruộng vườn, nhưng từ khi cha của Nghị nằm một chỗ, cuộc sống túng quẫn triền miên. Nhiều khi khổ mà bà không dám than với Nghị, sợ cháu buồn. Bà chỉ mong có sức khỏe buôn bán, ngày nào cũng hết mâm bánh để lo cho Nghị học hết cấp III. Có vậy, bà mới an lòng. Mà đâu có bán được thường ngày, chỉ khi Nghị học buổi chiều thì bà mới đi bán được, chứ ngày nào có học sáng bà Cúc phải ở nhà trông chừng con trai.

Theo lời kể của bà Cúc, sau ngày chồng bị tai nạn, mẹ của Nghị cố làm kiếm tiền lo cho chồng, một thời gian sau, anh trai của Nghị là Trần Hữu Nghĩa nghỉ học đi theo mẹ làm công nhân. Thời gian sau này, mẹ Nghị ít khi về thăm, trước đây thường về dịp tết, nhưng sau này không có về. Bà Cúc có nghe nói con dâu đã có cuộc sống riêng, là phụ nữ như nhau bà thông cảm, không nặng nhẹ gì, chỉ tội cho cháu nội bà còn nhỏ quá mà thiếu tình thương gần như cả cha lẫn mẹ…

Cuộc sống khốn khó và thiếu thốn là vậy, nhưng không ngăn cản được ước mơ vươn lên của Nghị - đúng như cái tên của em. Dù có những khi hai bà cháu kiếm tiền không đủ để mua đôi dép quai hậu mang đi học, hồi cái đợt gió bấc về Nghị co ro trong manh áo cầu thủ mỏng, chưa có tiền mua cái áo ấm… Sống trong khó khăn từ lúc mới chào đời, cho nên Nghị quen dần với điều đó. “Nhiều lúc thấy bạn bè lâu lâu được cha mẹ đưa đi chơi, có bạn khoe được mẹ mua cái này, mua cái kia, em muốn được một lần như vậy, nhưng nhà em vầy, cha em bị bệnh, nội đã già, mẹ lại không về, em cũng không dám nói mong muốn sợ nội buồn. Em chỉ biết ráng học”, Nghị bộc bạch.

Từ hồi lớp 3, lớp 4, Nghị đã biết phụ bà nội trông cha, lên lớp 5 đã biết nấu cơm cho cha khi bà đi bán. Giờ em một buổi học, một buổi trông cha. Cứ 5 giờ sáng hôm nào bà đi bán bánh, Nghị lại dậy sớm nhóm lửa, sắp xếp bánh hấp tiếp bà nội.

Hai bà cháu đỡ đần nhau bấy lâu nay để lo cho cha và để Nghị tiếp tục bước trên con đường học thêm nhiều cái chữ. Nhưng hoàn cảnh vậy, con đường đến trường của em còn lắm gian nan.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>