Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á 2018: Nơi minh chứng cho sự nỗ lực

25/09/2018 | 08:01 GMT+7

Hơn 10 ngày nữa, Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á năm 2018 (Asian Para Games) sẽ diễn ra tại Indonesia. Đây là cơ hội để các vận động viên (VĐV) người khuyết tật (NKT) nỗ lực, tỏa sáng, vượt lên mọi khó khăn.

Lê Văn Công được người hâm mộ chờ đợi tỏa sáng tại Asian Para Games 2018.

Sau những thành công tại Asiad 2018 giúp hun đúc tinh thần cho đoàn thể thao NKT Việt Nam hướng đến những mục tiêu lớn tại Asian Para Games năm nay. Asian Para Games được tổ chức 4 năm/lần, là sự kiện thể thao mang đậm tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm về đời sống tinh thần của NKT.

Thể thao NKT Việt Nam dự kiến tham gia 7 môn gồm điền kinh, bơi lội, cử tạ, cờ vua, bóng bàn, cầu lông và judo, với hơn 50 VĐV đạt chuẩn tham dự đại hội. Tuy nhiên, số lượng cụ thể sẽ phụ thuộc vào trình độ của VĐV bởi đại hội đòi hỏi các VĐV phải trải qua vòng loại tính điểm, xét chỉ số xếp hạng cá nhân qua các giải quốc tế. Với những môn thi đấu trọng điểm như điền kinh, bơi lội, cử tạ, các VĐV đã được tập huấn từ tháng 2-2018 và đi thi lấy điểm trong các giải cúp thế giới. Hiện, các VĐV triển vọng đang tích cực tập trung với khối lượng luyện tập cao hơn cho đến khi thi đấu.

Với chỉ số thành tích trong thời gian qua, thể thao NKT nước nhà hy vọng sẽ có thêm nhiều huy chương vàng tại đại hội. Bốn năm trước, tại Hàn Quốc, thể thao NKT Việt Nam giành 29 huy chương các loại, trong đó có đến 9 huy chương vàng, xếp hạng 10 chung cuộc. Phấn đấu ngang bằng thành quả này và nếu có điều kiện phải vượt lên cả về số lượng huy chương lẫn thứ hạng tổng sắp là nhiệm vụ nặng nề hiện tại được đặt ra cho đội tuyển thể thao NKT.

Những gương mặt như Lê Văn Công, Nguyễn Bình An (cử tạ), Võ Thanh Tùng (bơi), Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (điền kinh),… vẫn được người hâm mộ mong chờ. Nhưng đích ngắm xa hơn là tìm kiếm cơ hội góp mặt ở Paralympic Tokyo 2020. Thể thao NKT Việt Nam đang lặng lẽ bước vào cuộc chơi lớn và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức. Việc xã hội hóa các phong trào thể thao khuyết tật luôn nhận được nhiều sự đóng góp, đồng hành của những thương hiệu uy tín. Bởi họ nhìn thấy được ở các VĐV một nguồn cảm hứng mạnh mẽ bằng chính bản lĩnh, nghị lực và đam mê vượt qua những thử thách cam go, đạt được mục tiêu tuyệt vời trong cuộc sống.

Asian Para Games diễn ra từ ngày 6 đến 13-10 tới, thu hút khoảng 3.000 VĐV khuyết tật đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á tham gia, tranh tài 18 môn thể thao. Hiện tâm lý thi đấu của các VĐV NKT Việt Nam đang ngày càng ổn định, kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên môn được nâng lên. Hứa hẹn thế hệ vàng của thể thao khuyết tật Việt Nam sẽ làm rạng danh nước nhà. Đây không còn là thi đấu cọ xát, học hỏi mà là cơ hội, khả năng tranh chấp huy chương.

Nhìn những VĐV thi đấu nhiều người sẽ không khỏi khâm phục sự nỗ lực vươn lên từ cuộc sống khó khăn để đem vinh quang về cho tổ quốc. Các VĐV luôn thi đấu hết mình, nỗ lực phi thường của những con người vượt qua sự không may mắn để chiến thắng số phận, nở nụ cười hạnh phúc. Đối với những VĐV bình thường, để có được thành công họ đã phải trải qua rất nhiều gian khổ nhưng riêng VĐV khuyết tật lại càng gian khổ gấp bội. Khi xem VĐV NKT thi đấu, bài học mang đến cho nhiều người là nỗ lực vươn lên sau những khó khăn của bản thân.

Người hâm mộ cả nước đang chờ đợi các VĐV NKT Việt Nam tỏa sáng nơi đấu trường châu Á để khẳng định rằng họ là những người “tàn nhưng không phế”.

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>