SEA Games 29: Điểm yếu của thể thao Việt Nam là gì ?

22/08/2017 | 07:43 GMT+7

Những ngày thi đấu chính thức đầu tiên tại SEA Games 29 đã diễn ra, có không ít vận động viên tỏa sáng, nhưng cũng có những tiếc nuối, hành trình SEA Games còn ở phía trước và người hâm mộ đang chờ đợi, kỳ vọng !

U22 Việt Nam cần vững chắc về tâm lý để có thể giành chiến thắng, giải “cơn khát vàng” của bóng đá nam Việt Nam tại SEA Games.

Gặp khó với nước chủ nhà

Mặc dù SEA Games 29 chỉ mới chính thức diễn ra những ngày thi đấu đầu tiên nhưng có nhiều ý kiến phàn nàn từ các quốc gia tham dự đến chủ nhà Malaysia. Theo đó, việc bố trí cho các đoàn thể thao tập luyện và đi lại chưa được nước chủ nhà quan tâm gây nhiều khó khăn cho vận động viên (VĐV) trước khi thi đấu. Như cả đội bóng đá nữ Myanmar phải lên xe bus để về khách sạn sau khi trận đấu kết thúc vì không có tài xế; kình ngư Ánh Viên không có nơi tập, đi tìm hồ bơi gần 100km vẫn phải quay lại khách sạn để tập trên cạn,…

Ngoài ra, một vấn đề khác khiến nhiều đoàn thể thao cảm thấy chưa hài lòng là việc Malaysia không tổ chức ghi hình một số môn thi đấu mà quốc gia này không xem điểm mạnh, điển hình như bóng đá nữ, bóng chuyền,… Nếu muốn phát được, các quốc gia phải trả cho Malaysia một khoản phí khá cao. Vì vậy, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các đài truyền hình quốc gia đã phải chủ động ghi hình và phát lại phục vụ người dân. Nhưng đáng nói là đường truyền tín hiệu, chất lượng hình ảnh không ổn định, phần nào gây cản trở đến quá trình theo dõi SEA Games của nhiều người. Và còn rất nhiều những bất cập khác nữa không riêng gì Việt Nam khi đến với Đại hội thể thao Đông Nam Á lần 29 này.

Chính những yếu tố kể trên đã và sẽ gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thi đấu của VĐV. Có lẽ ngay lúc này, đoàn thể thao Việt Nam cần phải chuẩn bị tư thế chủ động với những tình huống bất ngờ sẽ còn tiếp diễn tại SEA Games 29.

Cần đảm bảo yếu tố tâm lý

Theo giới chuyên môn nhận định, điểm yếu của thể thao Việt Nam không phải ở chuyên môn mà là yếu tố tâm lý khi thi đấu. Đặc biệt, các VĐV Việt Nam vẫn chưa tan được nỗi sợ khi đối đầu trước “ông kẹ” Thái Lan ở một số môn, như ở môn futsal cả đội nam và nữ đều thất bại trước đối thủ với tỉ số khá đậm. Hay khi tham gia thi đấu chung kết cùng đội chủ nhà Malaysia, VĐV Việt Nam dễ mất đi cơ hội giành chiến thắng ở những điểm quyết định cuối cùng.

Bên cạnh đó, ở môn bóng đá nam, Việt Nam đang khao khát giành được tấm huy chương vàng SEA Games. U22 Việt Nam đã có đến 3 trận thắng trước các đối thủ tại SEA Games 29 nhưng nhiều người lại cảm thấy lo lắng cho chặng đường phía trước. Dường như U22 Việt Nam đã phô diễn toàn bộ sức mạnh trước những đối thủ được đánh giá yếu hơn. Thế trận của huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng không thể giấu được các đối thủ khi có ít sự thay đổi về con người, lối chơi mang tính rập khuôn. Còn Thái Lan chưa bao giờ cho thấy họ đáng sợ ở vòng bảng, nhưng lại là người giành chiến thắng cuối cùng.

Không riêng gì bóng đá, bắn cung, ở những môn thể thao khác, các VĐV cần thật sự bình tĩnh để có thể kiểm soát được bản thân, tránh tình trạng quá thăng hoa hay bi quan. Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam đạt được vẫn chưa như mong đợi. Tuy nhiên, đây là bình thường trong thi đấu thể thao. Người hâm mộ nước nhà vẫn hy vọng rằng các VĐV sẽ thi đấu hết mình mang về vinh quang cho đất nước.

Hôm nay (22-8), ngày thi đấu chính thức thứ 3 của SEA Games 29, những môn điền kinh, bơi, đấu kiếm, bắn súng, wushu,… được hy vọng tiếp tục mang về huy chương vàng danh giá cho thể thao Việt Nam. Đặc biệt, ở môn bóng đá nam sẽ là cuộc chạm trán giữa Việt Nam và Indonesia, trong khi các cô gái của môn “thể thao vua” phải đối đầu với Thái Lan.

 

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>