“Bóng ma” doping vẫn là nỗi ám ảnh

06/03/2019 | 08:30 GMT+7

Thực trạng vận động viên (VĐV) vướng doping do cố tình sử dụng hay thiếu hiểu biết đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp của VĐV cũng như uy tín nền thể thao quốc gia.

Trịnh Văn Vinh có thể sẽ khép lại sự nghiệp đỉnh cao khi dương tính với doping.

Những ngày gần đây, câu chuyện lực sĩ cử tạ Trịnh Văn Vinh vướng vào nghi án sử dụng doping được dư luận đặc biệt quan tâm. Thực tế, điểm chung chết người mà anh và những VĐV Việt Nam vướng phải đều xuất phát từ việc tự ý sử dụng thuốc, không theo chỉ định của bác sĩ. Đến khi có những mẫu thử phát hiện dương tính, VĐV mới ngã ngửa, không có lý lẽ hay biện chứng nào để giải trình vấn đề này.

Việc thiếu kiến thức, hiểu biết về những tác nhân gây ra doping đã để lại nhiều hậu quả lớn, thậm chí có thể kết thúc cả một sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của VĐV. Hiện, Trịnh Văn Vinh đã bị loại khỏi danh sách đầu tư trọng điểm năm 2019 là một điển hình. Hay huy chương bạc môn cử tạ Olympic Bắc Kinh 2008 Hoàng Anh Tuấn bị cấm thi đấu 2 năm vì vướng doping. “Bóng ma” này cũng đã nhấn chìm sự nghiệp Đỗ Thị Ngân Thương, cái tên quen thuộc của môn thể dục dụng cụ một khoảng thời gian dài,… Trong vòng 16 năm nay, thể thao Việt Nam đã có gần 20 trường hợp VĐV đỉnh cao bị phát hiện dương tính chất cấm. Con số này tuy không lớn so với thế giới, nhưng lại đi ngược tinh thần nói không với doping của thể thao Việt Nam.

Phần lớn các VĐV Việt Nam khi dính chất cấm đều bị sốc, có người không hiểu vì sao lại vướng. Vì thế, nỗi ám ảnh doping vẫn luôn tồn tại dai dẳng, điều quan trọng là các VĐV cần biết tự bảo vệ mình ra sao. Để xảy ra những sự cố đau lòng về doping, nguyên nhân trước hết phụ thuộc vào việc thiếu thông tin, sự chủ quan và không đủ kiến thức về phòng chống doping của VĐV. Nhiều người còn không chịu nắm bắt hoặc tự trang bị cho mình những bài học căn bản về danh mục các chất cấm này. Bởi nguyên nhân dương tính doping có thể bắt nguồn từ những việc nhỏ nhất như ăn uống hàng ngày, điều trị bệnh nhưng không quan tâm loại thuốc đó có chứa chất cấm hay không,…

Vòng xoáy doping vẫn cứ tiếp diễn, nhiều trường hợp vi phạm đã được công bố vẫn không thể là lời cảnh tỉnh dành cho những ai đã, đang và sắp sửa tự nguyện đưa chân vào con đường sai trái. Ngành thể dục thể thao cần quản lý chặt chẽ, sâu sát hơn, phổ cập đầy đủ những kiến thức về phòng chống doping cho VĐV. Đảm bảo có sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá sức khỏe của những VĐV tài năng một cách thường xuyên.

Tuy nhiên, không ai có thể kiểm soát được hết thời gian của từng người, nên chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ý thức và sự chuyên nghiệp từ VĐV là chính. Hy vọng rằng, sẽ không có thêm bất kỳ một VĐV nào của Việt Nam đi trên vết xe đổ doping mà Trịnh Văn Vinh đang giẫm chân.

Doping là tên gọi chung của các chất kích thích bị cấm trong thi đấu thể thao, bởi có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng cường lượng máu chảy về tim, làm tăng thể lực cùng khả năng tập trung cho VĐV. Doping có 3 dạng thông dụng là: doping máu, doping cơ và doping thần kinh.

 

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>