Chuyện nghề múa lân….

29/10/2018 | 08:23 GMT+7

Múa lân là môn nghệ thuật phát triển mạnh từ cơ sở, nhưng do mang tính tự phát nên chưa thể duy trì và nhân rộng phong trào.

CLB lân phường V, thành phố Vị Thanh, luôn đoạt giải nhất tại hội thi lân do thành phố tổ chức nhiều năm qua.

Trăn trở để duy trì

Thành phố Vị Thanh là địa phương duy nhất còn tổ chức hội thi múa lân hàng năm, bởi các xã, phường trên địa bàn đều có câu lạc bộ (CLB) lân hoạt động. Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp địa phương giữ gìn và phát triển nghệ thuật múa lân. Bà Cao Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Nhiều năm qua, chúng tôi tổ chức hội thi múa lân để các đội có điều kiện cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và duy trì thường xuyên hoạt động CLB. May mắn là nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ các cấp nên hội thi thu hút đông đảo đội tham gia, phong trào ngày càng phát triển”.

Trong đó, phải kể đến CLB lân phường V, khi nhiều năm liền đoạt giải nhất tại hội thi múa lân do thành phố tổ chức. CLB hiện có trên 20 thành viên, đa phần là học sinh tuổi từ 12-23. Mỗi người có nhiệm vụ khác nhau nhưng với mong muốn mang đến những bài biểu diễn hay, đẹp mắt cho người xem. Tuy nhiên, tập luyện để thi và duy trì hoạt động là hai vấn đề khác nhau, có nhiều lúc thăng trầm đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng từ mỗi cá nhân. Múa lân cần sự kết hợp ăn ý giữa các thành viên trong đội, đôi lúc mềm dẻo, uyển chuyển, khi mạnh mẽ, dứt khoát. Điều quan trọng là các động tác tung hứng, nhào lộn phải luyện tập kỹ, tập trung cao độ nhằm tránh xảy ra tai nạn.

Anh Trần Thanh Nghị, công chức văn hóa - xã hội phường V, quản lý CLB lân, nói: “Để đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động, chúng tôi phải cân đối và gói ghém từ tiền biểu diễn mua sắm dụng cụ tập luyện, chi phí cho anh em và cả đi tập huấn. Tôi rất mong đội có điều kiện tập luyện ổn định, nhiều giải đấu được tổ chức để phong trào lan tỏa”. CLB lân phường V vẫn tập luyện đều đặn vào các buổi chiều, bắt đầu từ lúc 17 giờ đến khoảng 19 giờ hàng ngày.

Qua bao nhiêu sự biến đổi, các CLB lân trên địa bàn tỉnh ngày càng bị sụt giảm, từ con số 41 năm 2014, đến nay chỉ còn khoảng một nửa. Giữa cuộc sống còn phải lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền thì việc sống và cháy hết mình với niềm đam mê múa lân nhưng lại không đem thu nhập cao vẫn là câu hỏi lớn. Ông Phan Văn So, huấn luyện viên Đội lân sư rồng Tư So Đường, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Tôi thấy buồn vì nghệ thuật múa lân ngày càng bị mai một. Số lượng anh em tâm huyết gắn bó với nghề ít dần bởi nặng gánh mưu sinh, sau này ai sẽ là người nối tiếp phát triển môn nghệ thuật truyền thống của cha ông?”.

Những người nối nghiệp

Hiện nay, nhìn theo tổng quan, phong trào múa lân trên địa bàn tỉnh phát triển không đồng bộ, mỗi nơi một kiểu, thiếu kinh phí mua sắm, cải tiến đạo cụ,… nên rất khó để đưa phong trào đi lên theo hướng chuyên nghiệp. Do đó, múa lân Hậu Giang cũng khá ngại ngần khi “mang chuông đi đánh xứ người”. Việc cần làm trong lúc này là truyền niềm yêu thích, đam mê đến thế hệ trẻ, để giúp múa lân còn đất sống và không phai mờ theo thời gian. Chứng kiến nhiều học sinh, sinh viên, người lao động hăng say tập múa lân mới cảm nhận được hết tình yêu mà họ dành cho môn nghệ thuật này. Em Cao Thăng Dương, CLB lân phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chiều sau giờ học ở trường là em ra tập luyện với các bạn. Nhờ mấy anh chỉ dạy tận tình nên mới hơn 1 năm, em đã múa được những bài đơn giản. Chấn thương, trầy xước là chuyện cơm bữa trong lúc tập luyện nhưng tụi em luôn cố gắng”.

Ngồi bên cạnh Dương, em Trần Hạo Nam bộc bạch: “Em thích múa lân nên luôn tích cực tập luyện. Mỗi lần tết đến, em lại nôn nao để đi múa lân, vừa vui lại có thêm tiền”. Theo thời gian, tết nay đang từng ngày vắng đi hình ảnh con lân nhưng chắc hẳn vẫn còn hiện hữu trong tiềm thức mỗi người để hoài niệm về tết xưa. Đó cũng chính là liều thuốc thần kỳ giúp những người đam mê múa lân vượt qua mọi khó khăn, vươn lên bám trụ và gắn bó với nghề. Khi thế hệ trẻ trỗi dậy niềm đam mê sẽ giúp múa lân có nhiều đổi mới, sáng tạo và duy trì theo thời gian… mặc dù đường đi vẫn còn dài và lắm chông chênh.

  Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>