Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc: Các đoàn ấn tượng với Hậu Giang

12/06/2019 | 08:09 GMT+7

Công tác tổ chức chu đáo, cơ sở vật chất đảm bảo,... là những ấn tượng mà các đoàn cho biết khi đến tham gia Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XX năm 2019, do Hậu Giang đăng cai tổ chức.

Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XX đã sẵn sàng khai cuộc.

Có mặt rất sớm tại Hậu Giang (từ ngày 2-6), đoàn vận động viên (VĐV) võ cổ truyền Hà Nội xem đây là cơ hội tốt để thử lửa, điều chỉnh và phát triển đội hình. Ông Trương Tiến Hợp, huấn luyện viên của đội, cho biết: “Chúng tôi tranh thủ vào sớm để có thể thích nghi với điều kiện thời tiết, sinh hoạt, môi trường tập luyện. Đoàn quyết tâm thi đấu hết sức mình để mang về thành tích cao nhất. Với tôi, một tỉnh trẻ như Hậu Giang tổ chức được một giải mang tầm cỡ quốc gia, cơ sở vật chất đảm bảo như thế này là rất quý”.

Đến sớm, nên bắt đầu từ ngày 3-6, đội Hà Nội đã tập luyện các bài biểu diễn quyền, đối kháng trên sàn đài lẫn thảm được Ban tổ chức lắp đặt trước. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các VĐV lúc tham gia thi đấu chính thức khi đã quen với nhiệt độ, ánh sáng tại nhà thi đấu. Không chỉ đội Hà Nội, mà sự chu đáo từ Ban tổ chức trong việc bố trí, sắp xếp, tạo sự thuận tiện về điều kiện cơ sở vật chất tập luyện được nhiều đoàn tham gia đánh giá cao.

Ông Lê Công Bút, Trưởng đoàn võ cổ truyền tỉnh Bình Định, nói: “Tôi rất vui mừng khi đến Hậu Giang, địa phương tạo điều kiện rất tốt về địa điểm tập luyện giúp đội có nhiều thời gian hoàn thiện đội hình. Với việc thoải mái trong tâm lý, sự chuẩn bị chu đáo từ các VĐV, chúng tôi phấn đấu giành vị trí nhất toàn đoàn. Đoàn đến Hậu Giang được tiếp đón nhiệt tình, vui vẻ, nồng hậu, để lại ấn tượng đẹp”.

Bình Định được biết đến là cái nôi của nhiều môn võ, trong đó có võ cổ truyền, khi nguồn VĐV được đào tạo bài bản, chặt chẽ ở các tuyến tuyển, trẻ, năng khiếu. Tại giải lần này, đoàn tham gia với 23 VĐV tranh tài ở tất cả các nội dung thi đấu. Dù vậy, đội cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của võ cổ truyền Hậu Giang khi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ địa phương.

Theo chia sẻ từ ông Lê Công Bút, ở Bình Định từ nhiều năm qua đã đưa võ cổ truyền vào thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng, nên thu hút được đông đảo số lượng học sinh tham gia. Các võ đường ra đời, võ sinh tăng vọt đã kéo theo sự lan tỏa phong trào, nhờ đó nguồn VĐV tuyển chọn đào tạo luôn dồi dào, đảm bảo đủ số lượng, mạnh về chất lượng.

Việc phát triển võ cổ truyền trong học đường cũng được nhiều địa phương nhận định là cách làm hiệu quả để khơi dậy phong trào. Thiết nghĩ, Hậu Giang cũng cần có những kế hoạch cụ thể và dài hơi cho việc phát triển này trong thời gian tới. Bà Hà Thị Yến Oanh, huấn luyện viên võ cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Điều kiện ăn ở, tập luyện của tỉnh khá tốt, tạo ấn tượng đặc biệt cho chúng tôi. Thông qua tập huấn, giao lưu tôi cũng biết khá nhiều về Hậu Giang, nhưng khi đặt chân đến đây thì thật bất ngờ với sự chuyên nghiệp, bài bản, khoa học trong khâu tổ chức”.

Trước đó, Ban tổ chức giải đã tiến hành khảo sát nhiều lần về điều kiện cơ sở vật chất, các công tác liên quan nhằm giúp giải diễn ra thành công và hiệu quả.

Hầu hết các tỉnh, thành, ngành tham gia giải năm nay đều có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, kỹ lưỡng trong đội hình, thông qua việc huấn luyện tập trung; chuẩn bị nhiều bài tập mới, độ khó cao; VĐV được đi tập huấn nhiều nơi,… Do đó, giải đấu hứa hẹn sẽ mang đến cho người hâm mộ môn võ cổ truyền nhiều pha tranh tài gay cấn, quyết liệt, ấn tượng, đặc biệt là kịch tính trong cuộc đua tranh tốp giành huy chương. Bên cạnh đó, với hơn 350 VĐV thuộc 30 đoàn, trong đó, một số địa phương như Bình Định, Đồng Nai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng tham gia từ 20 VĐV trở lên. Minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm của các đoàn khi cử số lượng VĐV đông đảo, mang tầm quy mô và chất lượng, tham gia đầy đủ những nội dung.

Riêng đối với Hậu Giang, việc đăng cai tổ chức giải có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy phong trào luyện tập môn võ cổ truyền trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy môn thể thao truyền thống của dân tộc. Qua đó, tạo cơ hội va chạm, cọ xát cho các VĐV, phát hiện và bồi dưỡng kịp thời những nhân tố trẻ, mục tiêu hướng đến những thành công mới trong tương lai. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: “Ban tổ chức sẽ làm hết trách nhiệm của mình, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đoàn đến tham gia. Chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế kiểm tra về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo tình hình an ninh trật tự khi giải diễn ra. Giải đấu đã sẵn sàng khai cuộc, hy vọng sẽ mang đến nhiều ấn tượng với các tỉnh, thành, ngành tham gia về đất và con người Hậu Giang”.

Giải lần này thu hút hơn 350 VĐV đến từ 30 đoàn thuộc các tỉnh, thành, ngành trên cả nước. Trong đó, chủ nhà Hậu Giang tham gia với 27 VĐV.

 

Hôm nay (12-6), bắt đầu thi đấu Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc

(HG) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đã tổ chức buổi họp chuyên môn, bốc thăm và xếp lịch thi đấu Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XX năm 2019 do Hậu Giang đăng cai tổ chức, vào sáng ngày 11-6.

Ban tổ chức chuẩn bị tiến hành cho các đội bốc thăm thi đấu.

Đại diện Ban tổ chức đã khái quát về đất và người Hậu Giang; thông báo thời gian, trình tự nội dung lễ khai mạc diễn ra vào sáng 12-6. Sau đó, đại diện các đoàn tham gia đã tiến hành bốc thăm xếp lịch thi đấu. Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XX, thu hút hơn 350 vận động viên đến từ 30 đoàn thuộc các tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Giải bao gồm 124 trận đối kháng, 140 cá nhân thi quyền quy định và 68 vận động viên dự tranh quyền tự chọn. Tất cả các trận đấu sẽ diễn ra tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh, từ ngày 12 đến 16-6.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>