Khó phát triển bơi lội

25/05/2017 | 11:19 GMT+7

Mặc dù được chọn là 1 trong 10 môn thể thao bắt buộc các địa phương tham gia tại Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh lần thứ VIII, nhưng để tổ chức thi đấu và phát triển bơi lội vẫn còn nhiều khó khăn.

Các VĐV ở thị xã Long Mỹ đều rất hào hứng khi được tham gia thi đấu trong hồ bơi.

Có hồ bơi nhưng vẫn chưa “bung” lên được

Thị xã Long Mỹ vừa hoàn thành tổ chức môn bơi lội tại Đại hội Thể dục thể thao cấp thị xã lần thứ VIII vào ngày 24-5, tại hồ bơi H&B ở khu vực 2, phường Thuận An. Đây là nơi duy nhất đạt đúng chuẩn hồ bơi của tỉnh, với 4 làn bơi được đầu tư hơn 2 tỉ đồng, chiều dài mỗi làn bơi là 25m. Tận mắt chứng kiến những màn tranh tài mới cảm nhận được hết quyết tâm và niềm vui của các vận động viên (VĐV) không chuyên khi tham gia thi đấu. Anh Nguyễn Văn Bình, VĐV bơi lội ở xã Long Trị A, bộc bạch: “Tôi thấy rất vui vì được tham gia thi đấu trong hồ, nước trong hồ sạch tạo cảm giác an toàn hơn so với bơi dưới sông”. Môn bơi lội tổ chức tại thị xã Long Mỹ thu hút hơn 100 VĐV nam, nữ cùng tham gia tranh tài ở 3 cự ly thi đấu 50m, 100m và 200m.

Theo chia sẻ của những VĐV, tại những kỳ đại hội trước, VĐV phải bơi dưới sông nên hay vướng phải lục bình. Quan ngại nhất là trường hợp VĐV bị chuột rút nếu không được kịp thời hỗ trợ sẽ rất nguy hiểm. Tại buổi thi đấu môn bơi lội ở thị xã Long Mỹ vào ngày 23-5 ở cự ly 50m, cũng có một VĐV nam đã rơi vào tình trạng chuột rút nhưng được các nhân viên y tế kịp thời hỗ trợ, đó là một trong những cái lợi khi môn bơi được tổ chức trong hồ bơi. Ông Nguyễn Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Chúng tôi ai cũng vui mừng khi môn bơi lội được tổ chức trong hồ. Tạo điều kiện giúp địa phương tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng nguồn VĐV chuẩn bị đại hội cấp tỉnh sắp tới”.

Hồ bơi H&B được đưa vào hoạt động gần 4 năm qua, với kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn thể thao này tại thị xã Long Mỹ. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng đó, sau khi khánh thành không bao lâu, hồ bơi thường rơi vào tình trạng ế ẩm…

Đối với địa phương đã có hồ bơi đã khó phát triển, vậy các huyện, thị còn lại không có hồ bơi sẽ thế nào?

Thi bơi dưới kênh

Đó không còn là điều xa lạ với nhiều địa phương khi tổ chức thi đấu môn bơi lội, do chưa có hồ bơi. Ông Lê Văn Chính, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Để tổ chức bơi lội, chúng tôi phải khảo sát và chọn địa điểm thích hợp, kênh xáng Nàng Mau được dự kiến sẽ là nơi thi đấu. Trước đó sẽ có đội hỗ trợ vớt rác thải, cây cối nhằm đảm bảo an toàn cho VĐV tham gia”.

Không riêng gì huyện Vị Thủy, hầu hết những địa phương khác khi tổ chức thi đấu bơi lội đều có cách làm như vậy. Huyện Phụng Hiệp, một trong những đơn vị có truyền thống và giành nhiều thành tích cao ở các giải đấu cấp tỉnh ở môn bơi lội, cũng “liệu cơm gắp mắm” khi không có hồ bơi để thi. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Hải Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Phụng Hiệp, nói: “Chúng tôi có đội cứu hộ sẵn sàng ứng biến với những tình huống bất ngờ xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các VĐV. Chúng tôi rất mong có được hồ bơi để phong trào bơi lội huyện nhà ngày càng phát triển”. Địa phương chọn kênh Lái Hiếu làm địa điểm thi đấu. Thi đấu trên kênh, nên địa phương phải phối hợp ngành chức năng hạn chế ghe, xuồng qua lại khi thi đấu diễn ra với những cự ly 300m và 500m (nữ) và 700m nam.

Còn thành phố Vị Thanh, tuy là trung tâm tỉnh, nhưng cũng không thể tổ chức môn bơi lội, đặc biệt là không thể thoải mái bơi lội dưới kênh như các huyện, thị, thành khác được. Ông Bùi Văn Dự, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Chúng tôi muốn tổ chức thi đấu môn bơi lội lắm nhưng ngặt nỗi địa phương không có hồ bơi, kênh xáng Xà No thì ghe xuồng qua lại quá đông dễ gây nguy hiểm đến VĐV. Tuy nhiên, 19 môn thi đấu tại đại hội cấp tỉnh địa phương đều đăng ký tham gia đầy đủ”.

Dù Hậu Giang có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc phát triển môn bơi lội, nhưng đây vẫn chưa là môn thể thao thế mạnh của địa phương. Cái khó lớn nhất các địa phương gặp phải là điều kiện cơ sở vật chất và người dân chưa thật sự mặn mà với bơi lội. Khi nói về phát triển bơi lội, nhiều người chỉ bày tỏ ngắn gọn bằng hai từ “Hy vọng”: Hy vọng thời gian tới, cơ sở vật chất phục vụ bơi lội sẽ được đầu tư ở các địa phương, tạo nền tảng giúp thể thao tỉnh nhà phát huy tiềm năng sẵn có…

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>