Khởi sắc phong trào tập luyện thể thao trong Nhân dân

23/11/2022 | 18:46 GMT+7

Với 35,64% dân số tỉnh tham gia tập luyện thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên, số gia đình thể thao chiếm 26,44% đã phản ánh rõ nét việc người dân đang ngày càng quan tâm đến TDTT.

Từ sân chơi phong trào đã giúp ngành chuyên môn tìm kiếm, tuyển chọn thêm những nhân tố mới phục vụ thi đấu.

Nhiều sự lựa chọn tập luyện

Vài năm gần đây, phong trào quần vợt tỉnh nhà có bước phát triển khi thành lập được liên đoàn, tổ chức nhiều giải thường niên, thu hút hàng trăm thành viên tham gia. Chị Hứa Mỹ Loan, ở khu vực 2, phường I, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Sau khi tan làm, tôi thường ra sân từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày, vừa rèn luyện sức khỏe, lại giao lưu, kết nối bạn bè. Mọi người nhìn vào thấy môn quần vợt đầu tư khá tốn kém nhưng tôi nghĩ cũng tương đối, tùy thuộc túi tiền. Tiền thuê sân mỗi tháng khoảng 200.000 đồng”.

Theo chị Loan, những ai mới bắt đầu làm quen với quần vợt có thể mua vợt cũ, giày cũ, giá khoảng 2 triệu đồng mỗi món đã tập luyện được, sau đó, đánh giá mức độ phù hợp để điều chỉnh. Riêng chị Loan do niềm đam mê và hay tham gia các giải nên đầu tư nhiều hơn để đảm bảo chất lượng, thường xuyên đổi vợt mới, giày mới, dao động từ 3 đến 5 triệu đồng nhưng sử dụng khá lâu.

Ngoài quần vợt, cầu lông, bóng bàn cũng là những môn được nhiều người dân lựa chọn tập luyện vì xét thấy phù hợp trong điều kiện thực tế lẫn chi phí đầu tư. Anh Vũ Thành Quan, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho rằng: “Theo tôi, chỉ có chạy bộ là ít tốn kém nhất khi tập luyện, còn những môn khác bắt buộc phải bỏ ra một khoản nhất định. Tôi chọn cầu lông vì không quá kén chọn địa điểm tập luyện, trang phục… Bình quân mỗi buổi tập sẽ tốn khoảng 50.000 đồng tiền thuê sân và cầu sử dụng, phù hợp với điều kiện kinh tế”.

Nhiều người ban đầu đến với thể thao nhằm giải tỏa căng thẳng, tạo niềm vui nhưng dần sẽ chuyển sang đam mê, gắn bó lâu dài, xem đó là một phương pháp rèn luyện sức khỏe, tuy nhiên phải phù hợp sở thích, công việc, thời gian và chi phí đầu tư.

Khơi dậy phong trào

Thể thao ngày càng nhận được sự quan tâm của mọi người đã góp phần khơi dậy phong trào luyện tập TDTT trong quần chúng nhân dân phát triển. Nhiều câu lạc bộ TDTT ra đời dựa trên hệ thống cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tham gia tập luyện, tạo nên một bước chuyển tích cực cho thể thao tỉnh nhà từ phong trào đến thành tích cao.

Tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh, tầm 17 giờ 30 phút mỗi ngày sẽ có hàng chục người đến tham gia tập luyện môn bóng bàn. Nhờ hoạt động hiệu quả dưới hình thức câu lạc bộ, nên người nào mới biết chơi, muốn học hỏi thì được thành viên có kỹ thuật tận tình chỉ dạy, hướng dẫn mà không cần phải tốn phí. Thường niên, mọi người còn cùng nhau tham gia các giải nội bộ, thi đấu giao lưu với nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Nhờ vậy, bóng bàn trở thành thế mạnh của thành phố Vị Thanh, tại Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh vừa qua, địa phương đã mang về 4 huy chương vàng trên tổng số 5 nội dung thi đấu.

Ông Lâm Kim Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ bóng bàn, chia sẻ: “Tôi mừng vì phong trào thể thao chung của tỉnh đang phát triển còn riêng môn bóng bàn lại nở rộ ở nhiều địa phương, người tập đông hơn, kỹ thuật chuyên môn tiến bộ. Câu lạc bộ hiện có hơn 30 thành viên, chúng tôi còn đào tạo thêm lớp trẻ gần chục cháu học lớp 5, 6 với mong muốn đóng góp nguồn lực mới cho thể thao tỉnh”.

Hoặc ở thành phố Ngã Bảy phong trào tập luyện môn bóng rổ luôn được duy trì, phát triển, những năm qua đã cung cấp cho tỉnh nhiều gương mặt triển vọng. Ngoài đam mê của vận động viên, nhiệt huyết nơi huấn luyện viên, sự ủng hộ từ gia đình chính là nền tảng quan trọng để hình thành nên những cầu thủ có tiềm năng. Môn bóng rổ đầu tư khá tốn kém nên nếu không nhận được sự am hiểu và đồng hành của gia đình vận động viên sẽ khó lòng bám trụ.

Bà Trần Kim Vui, ở khu vực 6, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Thấy con đam mê bóng rổ từ nhỏ nên vợ chồng tôi sẵn sàng ủng hộ, chỉ nhắc nhở cháu phải song hành giữa tập luyện và học văn hóa. Thay vì thời gian rảnh ở nhà cháu dán mắt vào điện thoại thì mình tạo điều kiện cho con tập luyện thể thao giúp rèn luyện sức khỏe”. Với bóng rổ, khoản đầu tư đắt nhất phải kể đến là giày, mỗi đôi dao động từ 1,5 đến 5 triệu đồng, tùy chất lượng, mẫu mã. Tuy nhiên, bà Vui cho rằng đây là khoản đầu tư xứng đáng, cần thiết nên gia đình sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng con ở các giải thi đấu, giao hữu để khích lệ tinh thần.

Quan tâm, hỗ trợ từ gia đình, ý thức rèn luyện sức khỏe trong mỗi cá nhân là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển phong trào thể thao ở Hậu Giang. Từ sân chơi phong trào đã giúp ngành chuyên môn tìm kiếm, tuyển chọn thêm những nhân tố mới phục vụ cho công tác thi đấu, huấn luyện và phát huy tối đa thế mạnh địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 276.407 người luyện tập TDTT thường xuyên, chiếm tỷ lệ 35,64%, tăng 1,19% so cuối năm 2021; có 51.005 gia đình thể thao, đạt 26,44% số hộ gia đình, tăng 0,92% so năm trước.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>