Kỳ vọng với võ cổ truyền

16/03/2023 | 05:50 GMT+7

Dù chỉ phát triển theo tính chất phong trào, nhưng bộ môn võ cổ truyền thời gian qua có nhiều đóng góp cho thành tích thể thao tỉnh ở các giải đấu cấp khu vực, quốc gia.

Võ sinh võ cổ truyền tập luyện tại Nhà thi đấu đa năng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thị xã Long Mỹ.

Sẵn sàng cho nhiệm vụ mới

Gần 1 tháng qua, mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, khoảng 30 võ sinh ở các câu lạc bộ võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh hội tụ về Nhà thi đấu đa năng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thị xã Long Mỹ để “rèn quân”. Không gian rộng rãi, thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, có bố trí thảm tập, dụng cụ đảm bảo, ban huấn luyện giàu kinh nghiệm giúp truyền tải những kỹ năng cần thiết nên các võ sinh đều tích cực tập luyện. Em Lê Hứa Mỹ Ý, võ sinh võ cổ truyền của thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Dù bận bịu công việc bán hàng tại thành phố Cần Thơ nhưng em luôn tranh thủ cuối tuần để tập luyện cùng đội. Vừa là niềm đam mê, vừa trau dồi thêm kinh nghiệm, em mong muốn có nhiều điều kiện để được thi đấu và cống hiến cho tỉnh”.

Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên Giải vô địch võ cổ truyền cấp tỉnh không thể diễn ra theo kế hoạch. Nên khi nhận được thông tin giải sẽ tổ chức trở lại vào tháng 6 tới, võ sinh lẫn huấn luyện viên võ cổ truyền các địa phương đều rất vui mừng. Điều mọi người trông chờ ở các giải là võ sinh sẽ được học hỏi, nâng cao kinh nghiệm, kỹ thuật thi đấu, trưởng thành và tự tin hơn trên chặng đường chinh phục thành tích. Tạo cơ hội khuyến khích và vực dậy phong trào, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Chị Lê Thị Bảo Thu, phụ trách bộ môn võ cổ truyền tỉnh, chia sẻ: “Do hạn chế giải đấu, tác động từ dịch Covid-19 nên thể lực, kỹ chiến thuật của võ sinh đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, bộ môn quyết định tạo điều kiện cho các nhân tố nổi bật do địa phương lựa chọn hội quân tập luyện để nâng cao kỹ thuật, thể lực và hoàn thành những bài tập có độ khó nhất định. Các em sẽ va chạm, học hỏi, cọ xát nhiều đến khi giải diễn ra, các huyện, thị, thành đều có được lực lượng tốt nhất thi đấu”.

Năm nay, võ cổ truyền Hậu Giang còn có thêm một nhiệm vụ quan trọng là tranh tài ở Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long do tỉnh đăng cai. Vì vậy, giải đấu cấp tỉnh sắp tới và công tác rèn quân hiện tại là bước chuẩn bị cần thiết cho bộ môn trước khi chạm trán thực tế với đối thủ mạnh trong khu vực. Do lực lượng hoàn toàn mới, trẻ so với kỳ đại hội trước nên bộ môn sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ thành tích thi đấu. Xác định thế mạnh ở nội dung quyền, còn đối kháng bị hạn chế do thể lực kém, không tập luyện thường xuyên, nên bộ môn dự kiến sẽ đề xuất được tham gia tập huấn tại Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang để cải thiện chất lượng nguồn lực. Ban huấn luyện tiến hành cập nhật bổ sung luật thi đấu mới để các võ sinh nắm bắt và có những điều chỉnh nhất định trong quá trình rèn quân.

Không dễ để phát triển bền vững

So với những môn thể thao khác, phong trào võ cổ truyền ở tỉnh đã có bề dày phát triển hàng chục năm. Hiện có khoảng 20 câu lạc bộ đang hoạt động ở 7/8 huyện, thị xã, thành phố (trừ thành phố Ngã Bảy) với hơn 800 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Để hướng tới quá trình phát triển lâu dài, bền vững bộ môn cần giải được bài toán khó là đưa võ cổ truyền vào trường học.

Dù từ năm 2019, võ cổ truyền đã được đưa vào trường học tại Trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thủy với thời gian tập thể dục giữa giờ; năm 2020 nhiều giáo viên được tạo điều kiện đi tập huấn chuyên sâu về võ cổ truyền... Nhưng đến nay vẫn chưa thể nhân rộng phong trào võ cổ truyền trong trường học. Chị Lê Thị Bảo Thu, phụ trách bộ môn võ cổ truyền tỉnh, cho rằng: Ở nhiều điểm trường triển khai giáo viên giáo dục thể chất vẫn chưa mấy mặn mà; lực lượng huấn luyện viên võ cổ truyền tại địa phương không phải là giáo viên trường nên sẽ rất khó tiếp cận vào hướng dẫn...

Phần do chưa nằm trong hệ thống thể thao thành tích cao, hạn chế kinh phí nên võ cổ truyền tỉnh gặp khó khăn khi góp mặt ở các giải cấp quốc gia, khu vực mặc dù đây là môn võ thế mạnh của địa phương. Anh Phạm Hiếu Thời, huấn luyện viên võ cổ truyền tỉnh, cho biết: “Chúng tôi luôn mong mỏi có thêm điều kiện được thi đấu, cọ xát để giúp bộ môn phát triển, tránh việc nhiều vận động viên tiềm năng, có tố chất bị mai một đáng tiếc. Đặc biệt khi trường học phát triển võ cổ truyền sẽ giúp các em yêu thích hơn môn võ này và sẵn sàng tham gia tập, giúp rèn luyện sức khỏe”.

Với những điều đã nói, những chính sách hỗ trợ tập huấn, thi đấu, giao hữu, thậm chí xa hơn về sự ra đời của liên đoàn như đã thực hiện ở các môn taekwondo, Vovinam cũng là một giải pháp nên nghĩ đến nhằm tạo nền tảng kế thừa tương lai và giữ chân võ sinh có tiềm năng. Tránh để bộ môn rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn lực, thiếu sự ổn định trong phong độ lẫn thành tích thi đấu. Vì thực tế, việc có tiềm năng và khai thác đúng hướng sẽ bổ trợ lẫn nhau trong tiến trình phát triển thể thao....

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>