Làm gì để võ cổ truyền phát triển ?

07/12/2017 | 09:50 GMT+7

Hậu Giang có khá nhiều tiềm năng phát triển môn võ cổ truyền nhưng để hiện thực hóa điều này vẫn còn lắm gian nan.

Huyện Vị Thủy được xem là cái nôi của môn võ cổ truyền, nhưng còn lắm gian nan trong quá trình phát triển.

Nhiều tiềm năng

Hình thành và phát triển từ nhiều năm nay, huyện Vị Thủy được xem là cái nôi của môn võ cổ truyền tỉnh nhà. Huyện có 6 câu lạc bộ (CLB) đang hoạt động với hơn 250 võ sinh tham gia, đa phần là học sinh ở các trường trên địa bàn huyện. Võ sinh Võ Hải Đăng, theo học gần 6 tháng ở câu lạc bộ võ cổ truyền tại sân vận động huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Em rất yêu thích môn võ này nên quyết tâm theo tập luyện, điều may mắn là được thầy hướng dẫn tận tình”. Sự tận tâm từ huấn luyện viên sẽ là nền tảng quan trọng giúp võ sinh phát huy thế mạnh sẵn có và phát triển tài năng một cách tốt nhất.

Cũng như ở Vị Thủy, số lượng võ sinh tham gia võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh đã không ngừng tăng lên, từ khoảng 590 võ sinh của 17 CLB vào năm 2016 lên hơn 750 võ sinh, 20 CLB năm 2017. Thành phố Vị Thanh, mặc dù chỉ có 1 CLB hoạt động tại Nhà thiếu nhi thành phố vào buổi tối các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần nhưng được duy trì và ổn định từ nhiều năm nay, với khoảng 40 võ sinh. Đây cũng là nơi có nguồn vận động viên góp phần mang về huy chương vàng cho tỉnh nhà tại Đại hội Thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII. Võ sinh Thái Thị Xuân Y, bộc bạch: “Em học võ khoảng 4 năm qua, nó giúp em rèn luyện được sự dẻo dai, săn chắc và sức khỏe tốt. Bây giờ mà em không đi tập luyện vài bữa là thấy trong người muốn bệnh”. Không chỉ vậy, hơn 1 tháng qua vào các buổi tối từ thứ hai đến thứ bảy, Xuân Y đã tham gia tập luyện đều đặn tại CLB và ở huyện Vị Thủy để chuẩn bị cho việc tham dự giải đấu đồng bằng sắp tới. Ngoài việc duy trì hoạt động của CLB, theo thông tin từ Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thành phố Vị Thanh, thời gian tới sẽ mở thêm nhiều CLB nữa để có thể giữ gìn và phát triển, đưa môn thể thao này đến gần hơn với người dân.

Dù các võ sinh có niềm đam mê, huấn luyện viên nhiệt tình, tâm huyết, nhưng thực tế cho thấy việc duy trì và phát triển rộng môn võ cổ truyền ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.

Trăn trở

Nỗi lo chung lớn nhất của các huấn luyện viên võ cổ truyền ở nhiều địa phương là việc tạo nền tảng kế thừa tương lai và giữ chân những võ sinh có tiềm năng. Đồng thời, do chưa có điều kiện phát triển trong trường học, nên hạn chế trong việc tìm nguồn vận động viên mới. Chị Lê Thị Bảo Thu, phụ trách môn võ cổ truyền tỉnh, chia sẻ: “Có nhiều võ sinh không tiếp tục tập luyện làm tôi thấy tiếc bởi các em có nhiều tố chất và khả năng để phát triển. Chính lý do này mà thành tích thi đấu hàng năm cũng có sự biến động, không ổn định được”.

Không chỉ khó khăn trong việc tạo nguồn vận động viên mà đội ngũ huấn luyện viên võ cổ truyền ở địa phương cũng còn hạn chế. Tính đến thời điểm hiện tại, có 7/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có câu lạc bộ võ cổ truyền hoạt động. Riêng thị xã Ngã Bảy là nơi chưa có CLB võ cổ truyền, gây nhiều trăn trở khi muốn phát triển và khởi sắc môn võ này ở địa phương. Anh Võ Quốc Hiệp, cán bộ thể thao Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã Ngã Bảy, nói: “Do không có huấn luyện viên nên chúng tôi không thể hình thành được câu lạc bộ. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều điều kiện tốt hơn để đưa võ cổ truyền về địa phương”.

 Ngoài những yếu tố con người thì điều kiện cơ sở vật chất hạn chế cũng là nguyên nhân khiến việc phát triển võ cổ truyền gặp khó khăn. Theo chia sẻ của nhiều huấn luyện viên ở các CLB võ của một số nơi như thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành,… đa phần các võ sinh phải tập trên sân đan. Vào những tháng mưa sân ướt và trơn trợt nên quá trình tập luyện của võ sinh bị gián đoạn, tay chân dễ trầy xướt. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho tập luyện vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

So với những môn thể thao khác, võ cổ truyền mang nhiều nét đặc trưng riêng của Việt Nam. Việc giữ gìn, phát triển võ cổ truyền là để giữ hồn quê hương và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Ông Nguyễn Phúc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh, chia sẻ: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự tâm huyết của huấn luyện viên chắc chắn võ cổ truyền tỉnh nhà sẽ có nhiều điều kiện phát triển. Đây là một môn thể thao thế mạnh địa phương và chúng ta cần phát huy, ưu tiên tạo nguồn vận động viên tiềm năng mới, mong muốn đưa võ cổ truyền trở thành môn thể thao thành tích cao trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>