Thể thao thời gian khó

26/04/2018 | 10:53 GMT+7

Những năm tháng chiến tranh đầy khói lửa, thể thao Hậu Giang vẫn có những dấu ấn riêng. Đến thời bình, thể thao Hậu Giang đang từng ngày khẳng định vị thế, vươn lên tầm cao mới.

Xem lại Huy chương Vì sự nghiệp thể dục thể thao, ông Huy hoài niệm về một thời đã qua.

Thể thao ngày ấy…

Được sự giới thiệu của nhiều người công tác trong ngành thể thao tỉnh, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Việt Hưng (Hai Hưng), ở phường IV, thành phố Vị Thanh, đã có hơn 40 gắn bó với công tác thể thao. Ông Hai Hưng bồi hồi nhớ lại: “Ngày xưa làm thể thao thì trăm điều khó do vừa thiếu thốn dụng cụ tập luyện, sân bãi thi đấu, kinh phí hoạt động, trang phục thì người chơi tự trang bị. Trong cái khó vẫn có cái dễ khi người dân đều ý thức, tham gia thể thao với phương châm tập luyện để khỏe”.

Lúc bấy giờ, bóng đá và bóng chuyền là hai môn thể thao phổ biến được nhiều người dân lựa chọn với lòng đam mê. Cứ mỗi buổi chiều ở những bãi đất trống không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều nhóm thanh thiếu niên tham gia tập luyện. Sân bóng đá đơn giản chỉ là bãi cát với vài cây trúc làm khung thành và có thể chơi thoải mái. Thời ấy chủ yếu là thể thao phong trào, theo hình thức tự phát, tự nguyện. Dù cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, khó khăn do bị chiến tranh tàn phá nhưng vẫn không ngăn nổi lòng nhiệt huyết, đam mê của nhiều người. Nhắc chuyện xưa, ông Hai Hưng nói chuyện nay: “Phong trào thể thao tỉnh nhà đã phát triển tương đối đồng bộ nhưng cần tổ chức thêm nhiều giải đấu để các vận động viên cọ xát, tập luyện và trao đổi kinh nghiệm”.

Ngoài ông Hai Hưng, chúng tôi còn tìm gặp được ông Đỗ Nguyên Huy, một giáo viên giáo dục thể chất về hưu, hiện đã 75 tuổi, ở phường I, thành phố Vị Thanh. Ông gắn bó với việc giảng dạy thể thao từ những năm 1975, ngần ấy năm ông là người trực tiếp chứng kiến sự phát triển, thay đổi từng ngày của thể thao Hậu Giang. Nhớ lại những ngày mới hòa bình, ông Huy bồi hồi: “Lúc ấy sân bãi thể thao thiếu thốn nên để tiện cho giảng dạy nơi nào có đất trống là tôi cho các em tập luyện. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí từ địa phương nên dần dần một số dụng cụ tập luyện được đầy đủ hơn, đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu giảng dạy”. Ông Huy luôn hoài niệm về một thời đã qua khi cầm trên tay những kỷ vật gắn bó với công tác thể thao trong đó đặc biệt là Huy chương Vì sự nghiệp thể dục thể thao được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao tặng năm 2002. Với ông Huy, làm thể thao cần phải yêu nghề, yêu tuổi trẻ và mong muốn tự rèn luyện bản thân.

Dù những người như ông Hai Hưng hay ông Huy đã bước qua sườn dốc của cuộc đời nhưng vẫn sống trọn vẹn với niềm đam mê thể thao. Ngày ngày, ông Hai Hưng vẫn đều đặn tập luyện quần vợt vào mỗi buổi chiều. Riêng ông Huy thì ngoài tập luyện thể thao như chơi bóng bàn, quần vợt ông còn đảm nhiệm công tác trọng tài ở nhiều giải đấu trong tỉnh.

Chia sẻ đầy ắp nghĩa tình của những người từng gắn bó với công tác thể thao từ khi mới giải phóng làm cho chúng tôi lại càng thấy trân quý hơn sự cố gắng, nỗ lực của ngành thể thao tỉnh nhà để đạt được nhiều kết quả như hôm nay.

Bước tiến !

Sau gần 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thể thao nước nhà nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng đang ngày càng phát triển. Thành tựu đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực mà hầu như ai cũng phải cảm phục. Riêng Hậu Giang dù là một tỉnh non trẻ nhưng nhờ sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền địa phương nên cơ sở vật chất của tỉnh ngày càng hoàn thiện. Toàn tỉnh, hiện có khoảng 1.040 sân bãi thể thao, trong đó nhiều nhất là sân bóng chuyền, cầu lông, sân bóng đá mini,... thu hút hàng ngàn lượt người dân đến tham gia tập luyện. Nhiều môn thể thao mới được hình thành góp phần đưa phong trào thể thao ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực. Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, cho biết: “Ngành thể thao tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được. Hiện tại, ngoài thể thao phong trào, chúng tôi đang cố gắng thực hiện tốt Đề án phát triển thể dục thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020. Đây là đề án có tầm quan trọng để đưa thể thao Hậu Giang ngày càng hoàn thiện từ cơ sở vật chất đến nguồn lực”.

Vài năm trở lại đây, thể thao thành tích cao Hậu Giang đang từng bước khẳng định được vị thế trên đấu trường khu vực và quốc tế. Hậu Giang đang đào tạo hơn 80 vận động viên tập trung thuộc 10 môn gồm: bóng chuyền, điền kinh, taekwondo, karatedo, cử tạ, bắn cung, đua thuyền, cờ vua, judo và bóng rổ. Ngoài ra, Hậu Giang cũng đăng cai tổ chức nhiều giải đấu lớn trong khu vực, tạo cơ hội cho vận động viên tỉnh nhà cọ xát, tham gia thi đấu, học hỏi kinh nghiệm từ những đơn vị mạnh. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang nói: “Tôi rất vui mừng và phấn khởi với những kết quả mà thể thao Hậu Giang đã đạt được. Hy vọng rằng sự chung tay của các cấp chính quyền và người dân sẽ giúp cho thể thao Hậu Giang vươn xa với những thành công mới”.

Thành công luôn đi kèm sự cố gắng và nỗ lực, việc nhìn nhận đúng những gì đã làm được trong thời gian qua là điều thật sự cần thiết. Từ đó, sẽ giúp thể thao ngày càng hoàn thiện, góp phần để người dân nâng cao sức khỏe, xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>