Vận động viên thể thao học văn hóa thế nào ?

11/05/2017 | 08:00 GMT+7

Với các vận động viên (VĐV) thể thao, học văn hóa rất cần, nhưng cũng rất khó...

Các VĐV cử tạ tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh cùng nhau trao đổi bài sau những giờ tập luyện vất vả.

Các VĐV phải tập luyện thi đấu nên để đảm bảo tốt việc học ở trường chưa bao giờ đơn giản. Các VĐV phải tranh thủ mọi thời gian khi có thể, VĐV taekwondo Nguyễn Huỳnh Quốc Bảo chia sẻ: “Tuy tập luyện có vất vả nhưng em luôn cố gắng từng ngày, mong muốn mọi việc được thực hiện tốt. Học văn hóa thật hay, học taekwondo thật giỏi luôn là ước mơ của em”.

Quốc Bảo đang học văn hóa tại Trường THPT Chuyên Năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định, Thành phố Hồ Chí Minh. Em sẽ học văn hóa 2 buổi/ngày (buổi chiều học 2 tiết) sau đó tập năng khiếu ở trường. Hơn 17 giờ, Quốc Bảo sẽ chạy về tập luyện cùng đội tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đến khoảng 21 giờ thì nghỉ. Đa phần các VĐV đều có tuổi đời còn trẻ và với cường độ tập luyện dày đặc, đòi hỏi họ cần tự rèn luyện cho mình một “bản lĩnh thép”. VĐV bóng rổ Âu Hoàng Kha tâm sự: “Lúc đầu, em gặp khó khăn để thích nghi với việc vừa học tại lớp vừa tập bóng rổ. Em thấy rất mệt. Bây giờ đã quen dần với lịch học, tập luyện em thấy vui và thoải mái lắm”.

Còn VĐV cử tạ Phan Thị Kiều Tiên cho biết: “Lúc mới chuyển trường, em rất bỡ ngỡ vì lạ lẫm nhiều điều. Em sợ không theo kịp chương trình học nhưng bây giờ thì mọi việc đã dần đi vào ổn định”. Được đào tạo tập trung tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh nên Kiều Tiên phải chuyển từ Xà Phiên, huyện Long Mỹ học tại Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh. Đa phần các VĐV khá dè dặt khi chuyển trường và đó cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh khi lo ngại tập luyện thể thao ảnh hưởng đến việc học văn hóa của con em mình. Các huấn luyện phải giải thích cho phụ huynh hiểu, đồng thời làm tròn trách nhiệm của một người thầy đối với học trò. Huấn luyện viên cử tạ Huỳnh Thị Ngọc Đào bộc bạch: “Ngoài thời gian tập luyện, hướng dẫn những kỹ thuật căn bản trong cử tạ tôi thường kiểm tra sách vở, việc học tập của các em. Nếu các em gặp những khó khăn tôi sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ”.

Tuy nhiên, đối với các VĐV ở những môn thể thao phong trào tại địa phương như võ cổ truyền, Vovinam lại gặp khó trong thi đấu. Huấn luyện viên võ cổ truyền Lê Thị Bảo Thu chia sẻ: “Do các em chưa được đào tạo tập trung nên rất khó để có thể tuyển chọn nguồn VĐV tiềm năng. Như tại Đại hội Thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII, chúng tôi có vài VĐV tiềm năng không thể tham gia thi đấu được vì việc học”.

Việc đào tạo một VĐV có tố chất và tiềm năng luôn là vấn đề được ngành thể thao mong mỏi. Chính điều đó sẽ giúp thể thao tỉnh nhà ngày càng phát triển và gặt hái thành công. Vì vậy, cùng với thể thao ngành giáo dục luôn tạo điều kiện thuận lợi bằng việc cho các VĐV nghỉ hoặc thi lại những môn học phụ khi có lịch thi đấu. Vào dịp hè hay kết thúc học kỳ I sẽ là khoảng thời gian phù hợp để các VĐV đào tạo tập trung chuyển trường. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các VĐV được học tập một cách tốt nhất.

Trong 92 VĐV thuộc diện đào tạo tập trung của tỉnh, đa phần được học văn hóa tại các trường học ở thành phố Vị Thanh và một số trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Phúc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, nói: “Ngành thể thao có sự liên kết chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, do đó các trường luôn quan tâm, giúp đỡ các VĐV, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo tài năng trẻ. Tuy nhiên, học văn hóa vẫn là yếu tố được chúng tôi ưu tiên hàng đầu giúp các em ngày càng hoàn thiện bản thân”.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>