Vươn cao từ điều kiện thấp

02/06/2017 | 08:50 GMT+7

Từ những thành quả đạt được, thể thao Hậu Giang có thể đặt niềm tin vào những thành tích mới cao hơn, vững vàng hơn, nhưng...

Bài 3: Vượt qua thách thức

Mặc dù có khởi đầu thuận lợi, nhưng các môn thể thao, nhất là những môn thể thao mới được đầu tư phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và việc tuyển chọn nguồn vận động viên (VĐV).

Các VĐV bắn cung Hậu Giang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho những giải đấu sắp tới.

Lo nhiều với điều kiện vật chất và nhân lực

Cầm trên tay tấm huy chương đồng vừa giành được tại Đại hội Thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII, VĐV Trần Bá Trương vui mừng khôn tả, bộc bạch: “Lần đầu tiên tham gia giải đồng bằng em hồi hộp và lo lắng lắm bởi có nhiều đối thủ mạnh. Đạt được kết quả này giúp em thêm tự tin và tích cực tập luyện cho những giải đấu sắp tới”. Bá Trương năm nay 17 tuổi, có khoảng thời gian hơn 1 năm tập luyện ở đội bắn cung của Đà Nẵng, nên có được kỹ thuật căn bản, thể lực tốt, phù hợp với điều kiện của môn thể thao này.

Theo chia sẻ của nhiều huấn luyện viên, điều kiện cơ sở vật chất và dụng cụ tập luyện quyết định khoảng 60% kết quả thi đấu của VĐV và đây là điểm nghẽn môn bắn cung đang gặp phải. Ông Vũ Công Tước, huấn luyện viên môn bắn cung, chia sẻ: “Hiện tại, dụng cụ tập luyện dành cho bắn cung còn hạn chế, thiếu thốn lắm. Do đặc thù nên mỗi VĐV phải sử dụng riêng một cung, nhưng mỗi cây cung có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, trong khi cả đội trẻ và đội năng khiếu bắn cung có đến 9 VĐV”.

Ngoài bắn cung, trong Đề án phát triển thể dục thể thao thành tích cao Hậu Giang giai đoạn 2016-2020 còn ưu tiên đầu tư môn thể thao mới là đua thuyền. Hiện tại, đội đua thuyền chỉ có 2 VĐV được đào tạo tại huyện Long Mỹ nên nhiệm vụ hàng đầu là tích cực tìm kiếm nguồn VĐV. Đến nay, ban huấn luyện đã mở rộng phạm vi tuyển chọn ở những địa phương khác như huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A. Bước đầu đã tuyển chọn được khoảng 7 VĐV. Dự kiến vào tháng 6 tới, các VĐV sẽ được đưa về đào tạo tập trung ở huyện Vị Thủy. Anh Bùi Văn Bình, huấn luyện viên môn đua thuyền, bộc bạch: “Có nhiều người dân chỉ nghĩ đơn thuần đua thuyền giống đua ghe ngo hay đua xuồng ba lá. Chính điều này khiến ban huấn luyện gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn”.

Gian nan tìm kiếm nguồn VĐV không phải là cái khó duy nhất, còn rất nhiều đoạn đường khó đi phía trước trên hành trình phát triển thể thao thành tích cao Hậu Giang. Tại Đại hội Thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII vừa kết thúc, nhiều tiếc nuối để lại. Dù nỗ lực thi đấu nhưng thể thao Hậu Giang chỉ đứng vị trí áp chót trên bảng xếp hạng. Nhiều môn thể thao thế mạnh chưa thật sự phát huy hiệu quả. Chất lượng vận động viên chưa cao, số lượng tham gia đào tạo ít đã tác động không nhỏ đến thành tích của thể thao Hậu Giang. Mong muốn lớn nhất của những người làm công tác thể thao việc Đề án phát triển thể dục thể thao tỉnh giai đoạn 2016-2020 được thực hiện, để góp phần cải thiện thành tích thể thao tỉnh nhà trong tương lai.

Hành trình cần sự chung lòng

Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thể dục thể thao của từng địa phương lại khác nhau, thiếu đồng bộ. Có nơi tập trung nhiều sân bãi thể thao như thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy,... trong khi có địa phương thì quá ít. Như tại huyện Châu Thành và huyện Long Mỹ chưa có sân quần vợt nào đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, sân bóng đá, điền kinh và hồ bơi cũng là điều mà hầu hết các địa phương thật sự cần thiết, điều này đã gây nên những trở ngại lớn khiến các hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở khó lòng phát triển. Chung tay giải quyết vấn đề ấy, thời gian qua, các địa phương đã tích cực vận động nguồn xã hội hóa để xây dựng và phát triển thể thao tại địa phương. Nhiều sân bãi thể thao “mọc lên” phục vụ tốt nhu cầu học tập, vui chơi và rèn luyện của người dân. Xã hội hóa đã là một trong những viên gạch giúp thể thao thành tích cao Hậu Giang xây nên “ngôi nhà” cao hơn và vững chắc hơn.

Trước những khó khăn kể trên, việc thực hiện Đề án phát triển thể dục thể thao thành tích cao Hậu Giang giai đoạn 2016-2020 là cơ hội để thể thao tỉnh nhà có nền tảng bứt phá, là cơ hội to lớn và quý báu giúp thể thao thành tích cao Hậu Giang có điều kiện bước sang một trang mới. Từ nguồn lực sẵn có như những huấn luyện viên tâm huyết, VĐV tiềm năng,… thể thao Hậu Giang hoàn toàn có thể tạo nên những “cú hích” ấn tượng hướng đến sự thành công. Để không chỉ có judo, karatedo, mà nhiều môn khác sẽ bước lên bục cao nhất ở những giải đấu tầm cao. Ông Nguyễn Phúc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, tâm sự: “Đề án được phê duyệt tôi thật sự rất mừng vì đó là điều kiện và cơ hội để thể thao Hậu Giang phát triển. Tuy còn khó khăn nhiều lắm nhưng tôi vẫn vững tin thể thao Hậu Giang sẽ phát triển hơn trong một ngày không xa”.

Trong những khó khăn ấy thì điều kiện ăn, ở dành cho các VĐV là điều đặc biệt quan tâm bởi nó góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng và kết quả thi đấu. Khi các VĐV được ăn, ở và đào tạo tập trung sẽ giúp công tác quản lý được thắt chặt từ giờ giấc tập luyện, chế độ dinh dưỡng đến những yếu tố bên ngoài tác động. Lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh nhà cũng đã “đi tìm” nguồn dinh dưỡng về cho các VĐV. Ông Đỗ Chiêu Quí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện cung cấp thêm một số sữa cho VĐV nhằm bổ sung nguồn dinh dưỡng và khoáng chất giúp các em khỏe và đầy đủ năng lượng. Chúng tôi hy vọng rằng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng việc hỗ trợ từ cá nhân, tổ chức sẽ góp phần giúp thể thao thành tích cao Hậu Giang ngày càng phát triển”…

Thể thao Hậu Giang dù đối mặt với khó khăn nhưng với sự quan tâm, chung sức chung lòng của nhiều ngành, nhiều người, mỗi ngày sẽ cố gắng một ít, mỗi năm vươn lên một nấc, mỗi mùa một thành tích mới và đất lành Hậu Giang vẫn không ngừng vun đắp để mỗi mùa thể thao thành tích cao Hậu Giang thêm nhiều quả ngọt!

Đam mê đã có, cái cần là những sự trợ giúp

Hiện tại, VĐV ở một số môn thể thao như Vovinam, võ cổ truyền,... chưa được đào tạo tập trung. Khi có tổ chức giải đấu họ lại sắp xếp công việc, chuyện học hành để về tập luyện cùng đội. VĐV Vovinam Đoàn Ngọc Muội chia sẻ: “Cứ chiều thứ sáu hàng tuần khi học xong (Muội đang học y sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh), em lại bắt xe về quê để tập luyện cùng đội chuẩn bị cho Đại hội Thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần VII. Tập luyện được 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, em lại đi xe trở lên Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục việc học. Khó khăn, vất vả lắm nhưng vì đam mê nên em hết lòng”.

 

Theo Đề án phát triển thể dục thể thao thành tích cao Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh sẽ có 150 VĐV năng khiếu, trẻ và tuyển. Những môn dự kiến sẽ được hình thành từ đề án thời gian tới là Vovinam, bơi lội,… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có những tờ trình và kế hoạch cụ thể xin ý kiến tiến hành đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ăn cho VĐV...

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>