Đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Luật Quản lý ngoại thương

30/05/2017 | 08:52 GMT+7

(HG) - Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương vừa được kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội. Góp ý dự thảo này, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung:

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật chỉ áp dụng đối với đối tượng là hàng hóa mà không điều chỉnh dịch vụ trong khi thực tế các dịch vụ liên quan đến hoạt động ngoại thương rất nhiều và quan trọng như dịch vụ logistics kho bãi, thanh toán ngân hàng,… Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật để đảm bảo đồng bộ, thực thi hiệu quả hơn.

Xây dựng Luật Quản lý ngoại thương liên quan đến nhiều văn bản pháp luật hiện hành gồm 3 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến tự vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp; dự thảo luật cũng liên quan đến một số luật như: Luật Thương mại, Luật Thuế, Luật Hải quan, Bộ luật Hàng hải,… Vì vậy, việc xây dựng luật cần phải bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, giải quyết tốt mối quan hệ giữa luật này và thương mại; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế cũng như thông lệ quốc tế trong ngoại thương.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương dự thảo luật còn giao cho Bộ Công thương rất nhiều quyền, do đó cần bổ sung quy định theo hướng minh bạch, công bằng; có cơ chế kiểm soát, giám sát, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan. Cần quy định rõ và mạnh dạn phân cấp để phát huy tốt vai trò trong quản lý ngoại thương tại địa phương.

Dự thảo cần bổ sung quy định và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ngoại thương. Thời gian qua, chúng ta cũng biết việc thương lái nước ngoài “núp bóng” doanh nghiệp Việt Nam thu mua, chèn ép hàng hóa nước ngoài nhập vào; thu mua, chèn ép hàng hóa trong nước và hàng hóa nước ngoài nhập vào thì giả danh hàng Việt Nam. Vậy luật này quan tâm đến vấn đề trên như thế nào trong khi đó các nước có hệ thống phòng vệ rất mạnh, chặt chẽ như việc kiện doanh nghiệp bán phá giá, bảo trợ doanh nghiệp trong nước… Đề nghị nên bổ sung nội dung trên và phải có chế tài xử phạt hợp lý để doanh nghiệp trong nước được cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn các đối tượng có hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài gây tổn hại đến nền kinh tế của đất nước…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>