Đồng bằng Sông Cửu Long: Giá lúa bán tại ruộng dưới ngưỡng 5.000 đồng/kg

07/03/2019 | 06:58 GMT+7

(HG) - Bước sang tháng 3-2019, nông dân ĐBSCL vào cao điểm thu hoạch lúa Đông xuân. Hiện các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua lúa hàng hóa của nông dân. Giá lúa sau khi nhích lên đã chựng lại ở ngưỡng dưới 5.000 đồng/kg. Cụ thể ngày 6-3, tại An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, lúa phẩm cấp trung bình IR 50404 được thương lái mua tại ruộng với giá 4.500-4.600 đồng/kg. Các giống lúa dài, Đài thơm 8 dao động 4.800-5.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 600-700 đồng/kg. Trong khi đó, tại An Giang và Kiên Giang lúa thơm Jasmine đang có xu hướng giảm giá. Hiện thương lái đến tại ruộng/nhà dân ở An Giang mua lúa Jasmine với giá 4.900 đồng/kg, tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang chỉ có 4.700 đồng/kg, giảm từ 100-300 đồng/kg so với với tuần rồi và thấp hơn cùng kỳ trên 1.000 đồng/kg.

Thương lái mua lúa tại nhà của nông dân ĐBSCL

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 3-2019, nông dân ĐBSCL thu hoạch khoảng 500.000ha lúa Đông xuân, sản lượng trên 3,3 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 2,4 triếu tấn lúa hàng hóa, tương đương 1,2 triệu tấn gạo cung cho nguồn xuất khẩu. Đáng chú ý, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đối với gạo 5% tấm từ 343-347 USD/tấn, đối với gạo 25% tấm từ 327-330 USD/tấn; thấp hơn giá xuất khẩu gạo của Thái Lan khoảng 32 USD/tấn.

Theo ghi nhận của Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, tỉnh hiện có 78.418,18ha diện tích lúa Đông xuân đã xuống giống, trong đó có 23.191ha (chiếm 29,57%) ký kết hợp đồng tiêu thụ với trên 24.120 hộ tham gia, còn lại 55.227ha phụ thuộc vào thương lái. Hiện đầu ra còn hạn chế, các hợp đồng xuất khẩu gạo chưa nhiều nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn triển khai thu mua. Hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa đa dạng, phần lớn mới chỉ dừng lại ở liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa tổ chức của nông dân với doanh nghiệp,... chưa có sự tham gia liên kết của các chủ thể quan trọng khác như: nhà khoa học, ngân hàng,… để tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến quá trình nhân rộng mô hình liên kết. Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện nay chưa đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân; chưa đủ năng lực để tổ chức hệ thống thu mua nên hình thức thu mua nông sản chủ yếu là qua thương lái.

Tin, ảnh: VĨNH TƯỜNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>