Nhiều giải pháp ứng phó lũ lụt, hạn, xâm nhập mặn và sạt lở cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

18/06/2019 | 20:10 GMT+7

(HGO) - Nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, sáng ngày 18-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Trung ương tổ chức Diễn đàn “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương; nhiều chuyên gia trong và ngoài nước và lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Ông Trần Hồng Hà (đứng), Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, diễn đàn đã giúp các địa phương vùng ĐBSCL có cơ chế, quản lý liên vùng hiệu quả hơn trong ứng phó với BĐKKH.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho rằng: Diễn biến của tình hình BĐKH đang đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản mà chúng ta dự báo. Đặc biệt, ĐBSCL đang là vùng chịu áp lực lớn của BĐKH, nhất là tình hình lũ lụt, sạt lở, khô hạn, xâm nhập mặn,… ngày càng diễn ra gay gắt. Do đó, diễn đàn hôm nay rất mong các chuyên gia trong và ngoài nước có sự đánh giá lại sâu sát hơn các hiện tượng thiên tai trên do BĐKH, nhất là chỉ ra những nguyên nhân chính gây ra và gợi mở một số giải pháp chính để tháo gỡ. Qua đây giúp các bộ, ngành liên quan của Trung ương, đặc biệt là các địa phương vùng ĐBSCL có cơ chế, quản lý liên vùng hiệu quả hơn để khai thác tốt trên 3 tiểu vùng mặn, ngọt, lợ, từ đó phát triển những loại cây, con cho phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần thích ứng với BĐKH.

Với chủ đề “nóng” đặt ra liên quan đến tình hình sạt lở, xâm nhập mặn, lũ lụt nên diễn đàn đã thu hút đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế.

Theo nhiều nhà khoa học, chuyên gia thì diễn biến tình hình sạt lở, lũ lụt, xâm nhập mặn không chỉ đang ảnh hưởng lớn đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mà ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường với mức độ thiệt hại ngày một nghiêm trọng hơn. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn vùng ĐBSCL có 564 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài trên 834km, trong đó có 42 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Bình quân trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm vùng ĐBSCL mất khoảng 300ha bờ biển do sạt lở. Về tình hình hạn, xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 1-1,5 tháng; chiều sâu nước mặn xâm nhập vào đất liền từ 35-40km vào năm 2012 thì nay là 90km; độ mặn qua các năm gần đây tại những tỉnh không giáp biển như tỉnh Hậu Giang dao động ở mức 7-12‰, đỉnh điểm có năm đạt hơn 17‰, tăng từ 5-7‰ so với giai đoạn trước năm 2015. Bên cạnh đó, tình hình lũ ở ĐBSCL trong những năm gần đây có sự thay đổi đặc tính tự nhiên do tác động của việc vận hành hồ chứa ở thượng nguồn nên tiềm ẩn nguy cơ lũ cao bất thường nếu xảy ra sự cố hồ chứa hoặc xả lũ đồng loạt…

Trước nhiều thách thức đã, đang và dự báo tiếp tục còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới nên tại diễn đàn, nhiều bộ, ngành Trung ương, chuyên gia trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều giải pháp ứng phó. Chẳng hạn, cần rà soát quy hoạch lũ ĐBSCL theo hướng “Sống chung với lũ một cách chủ động” nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lũ và phát huy mặt lợi của lũ; điều chỉnh thời vụ, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phù hợp với diễn biến của xâm nhập mặn cho từng vùng sinh thái; cần nhìn nhận đúng và sớm khắc phục các nguyên nhân gây sạt lở như: do đặc điểm của địa chất - địa đạo, sự phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, hoạt động của khai thác cát trên sông, việc khai thác nước thượng nguồn làm suy giảm phù sa, bùn cát,…

Cùng với Bộ TN&MT, cũng trong sáng nay, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn tổ chức song song 3 diễn đàn khác liên quan đến giải pháp phát triển vùng ĐBSCL, gồm: Diễn đàn “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Diễn đàn “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”, Diễn đàn “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long”.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>