Áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng hợp tác công tư: Tăng lợi nhuận gần 2 triệu đồng/ha

15/11/2017 | 10:06 GMT+7

(HG) - Đây là kết quả đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh tại Hội thảo tổng kết mô hình “Hợp tác công tư trong liên kết sản xuất lúa gạo gắn với cánh đồng lớn” được tổ chức vào sáng ngày 14-11. Tham dự hội thảo có đại diện Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), một số sở, ngành tỉnh, huyện, doanh nghiệp thu mua lúa gạo và 70 nông dân trong vùng dự án.

Ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá kết quả đạt được của mô hình sau 2 năm triển khai tại buổi tổng kết. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, qua 2 năm triển khai tại địa bàn huyện Châu Thành A và thị xã Long Mỹ (bắt đầu từ vụ lúa Đông xuân 2015-2016 và kết thúc vào vụ lúa Hè thu 2017), mô hình trên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, nông dân trong mô hình được cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh và Công ty Bayer Việt Nam tập huấn 4 lần/vụ nhằm chuyển giao mô hình sản xuất lúa tiên tiến theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu (mô hình 1 phải, 6 giảm), đặc biệt là thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ 50 công cụ kéo hàng cho một số HTX để mở rộng, phát triển dịch vụ phục vụ sản xuất, cũng như đào tạo để nâng cao năng lực hoạt động cho HTX. Ngoài ra, thông qua dự án đã tạo sự gắn kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc cùng giải quyết khó khăn về tiêu thụ nông sản.

Riêng về mặt hiệu quả kinh tế, nông dân tham gia mô hình thường đạt năng suất lúa trung bình 6,1 tấn/ha, ngoài mô hình là 5,9 tấn/ha; còn lợi nhuận cũng cao hơn ngoài mô hình gần 2 triệu đồng/ha do năng suất cao hơn và chi phí đầu tư lại ít. Đặc biệt, qua kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của 19 mẫu gạo thì tất cả đều đảm bảo dư lượng thấp hơn so với ngưỡng quy định tại thị trường xuất khẩu gạo ở một số nước khó tính.    

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Đây là mô hình nằm trong khuôn khổ của chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) và sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á (BRIA) do GIZ phối hợp với Công ty Bayer Việt Nam và Bộ NN&PTNT thực hiện tại 3 tỉnh, gồm: Hậu Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Mặc dù dự án đã kết thúc sau 2 năm triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên với những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp nông dân Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất lúa theo quy trình của dự án đề ra, góp phần tạo sự an tâm cho người tiêu dùng về chất lượng hạt gạo của Hậu Giang…

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>