Bổ sung thêm đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV

23/10/2020 | 14:23 GMT+7

(HGO) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 23-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Dự tại điểm cầu Hậu Giang, có bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại điểm cầu Hậu Giang.

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng tại nước ta được khống chế ở mức dưới 0,3%. Việt Nam thuộc bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS được ban hành, hệ thống chính sách, pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS đã được xây dựng đầy đủ, kịp thời. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả cao. Tuy nhiên bên cạnh đó, một số quy định của luật đã bộc lộ các tồn tại, bất cập dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Nghị quyết 20-NQ/TW.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, có 23 ý kiến đóng góp của đại biểu vào các nội dung về mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định mở rộng việc tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Theo cơ quan thẩm tra dự thảo là Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chính sách này ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV. Việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng cũng cần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh, phù hợp với khuyến nghị của quốc tế.

Đóng góp tại phiên họp, đa số các đại biểu đồng tình cao với việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin. Bởi theo các đại biểu, để phòng chống lây nhiễm, việc mở rộng đối tượng là cần thiết, như cha mẹ, người chuẩn bị đăng ký kết hôn cần phải biết. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề xuất chỉ nên mở rộng đối tượng trong phạm vi thực sự cần thiết, chứ không phải ai cũng được biết thông tin về người nhiễm.  

Được biết, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện theo quy trình rút gọn, lần đầu trình ra Quốc hội và dự kiến sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

 

Tin, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>