Cần tạo môi trường pháp lý phù hợp cho ngành công nghệ thông tin trong tình hình mới

23/11/2017 | 15:14 GMT+7

(HGO) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin. Tham dự hội nghị còn có ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại điểm cầu Hậu Giang, ông Phạm Văn Tửu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cùng đại diện các đơn vị có liên quan tham dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hậu Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, 10 năm qua, Luật Công nghệ thông tin (CNTT) là cơ sở pháp lý quan trọng trong sự phát triển của ngành CNTT ở nước ta. Luật ra đời đã thiết lập nên hành lang pháp lý cho việc thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu xu thế phát triển công nghệ, mô hình kinh tế tiên tiến, triển khai thực hiện Đề án hiện đại hóa Khung pháp lý về CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Riêng Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung trùng lặp, chưa thống nhất giữa Luật CNTT năm 2006 với các văn bản luật, dưới luật khác nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 năm thi hành Luật CNTT, hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước từng bước được triển khai đồng bộ, thống nhất thông qua các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT của quốc gia, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Theo báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc, năm 2016, Việt Nam xếp hạng thứ 89 trên thế giới về ứng dụng CNTT, tăng 10 bậc so năm 2014, đứng hạng thứ 6 trong khối các nước Đông Nam Á.

Việc ứng dụng CNTT đã góp phần tạo bước đột phá trong hoạt động cải cách hành chính nhà nước, thông qua việc xử lý văn bản, tài liệu trên môi trường điện tử; sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu hỗ trợ trong xử lý công việc. Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang/cổng thông tin điện tử đăng tải các báo cáo tổng hợp, thống kê thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; 17/19 bộ, cơ quan ngang bộ và 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp ít nhất một dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hoặc 4; hơn 70% các trường học trên cả nước đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến…

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai Luật CNTT vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Sự trùng lặp, không thống nhất giữa các quy định của Luật CNTT với các luật, văn bản dưới luật khác; luật còn thiếu các quy định phù hợp thực tiễn phát triển CNTT hiện nay; sự chồng chéo trong thực thi quản lý nhà nước giữa các cơ quan trong một số lĩnh vực CNTT,… Do đó trong thời gian tới, các bộ, ngành có ý kiến đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật CNTT để phù hợp với tình hình mới.

Tin, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>