Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào phòng, chống thiên tai

15/05/2019 | 15:32 GMT+7

(HGO) - Sáng ngày 15-5, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ huy) tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trong tỉnh để tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, dự và chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu (đứng) đề nghị cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai.

Theo Ban chỉ huy tỉnh, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 cơn lốc xoáy và nhiều cơn mưa lớn đã làm sập nhà dân 82 căn, tốc mái  119 căn, đổ ngã 0,39ha chuối, 15 cây dâu, đồng thời đổ ngã gần 839ha lúa Hè thu (giảm năng suất từ 3-20%) và đổ ngã 713ha lúa Thu đông (giảm năng suất từ 5-100%). Bên cạnh đó, lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường Biển Đông làm ngập và tràn đê bao với tổng chiều dài 36.925m và 28 cái đập. Về tình hình sạt lở bờ sông, tổng số điểm bị sạt lở là 22 điểm, với chiều dài 406m, diện tích mất đất 2.475m2. Riêng tình hình xâm nhập mặn xuất hiện với nồng độ mặn thấp, trong đó, độ mặn đo được cao nhất là 8,8‰, thấp hơn 4,2‰ so với năm 2017. Do nồng độ mặn thấp và các địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phi công trình, công trình nên thiệt hại do mặn gây ra không đáng kể. Tổng thiệt hại do thiên tai năm 2018 trên địa bàn tỉnh là gần 7,1 tỉ đồng, thấp hơn gần 210 triệu đồng so với cùng kỳ.

Về ảnh hưởng thiên tai từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 16 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài 396m, diện tích mất đất 2.026m2, ước thiệt hại gần 884 triệu đồng. Còn tình hình xâm nhập mặn năm nay đến sớm hơn cùng kỳ khoảng hơn 1 tháng và diễn biến gay gắt, trong đó độ mặn cao nhất đo tại huyện Long Mỹ lên đến 12‰, ở thành phố Vị Thanh là 10,3‰. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ và các nhà chuyên môn, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang thì mùa mưa năm 2019 sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là bão, lốc xoáy, lũ,... có khả năng xuất hiện nhiều vào những tháng cuối năm ở khu vực Nam bộ nên Hậu Giang cần có giải pháp chủ động ứng phó.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đề nghị, Ban chỉ huy tỉnh và địa phương nhanh chóng kiện toàn lại Ban chỉ huy để khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra để chủ động phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền phải đổi mới về hình thức, nội dung, đồng thời cả hệ thống chính trị cùng tuyên truyền chứ không riêng cơ quan nào. Đặc biệt, Ban chỉ huy tỉnh nghiên cứu ứng dụng tối đa công nghệ 4.0 vào phòng, chống thiên tai và việc làm này không chỉ áp dụng cho cán bộ mà phải đến tận người dân để tăng tính chủ động. Sở NN&PTNT tỉnh sớm tham mưu UBND tỉnh tổ chức buổi tọa đàm cùng các nhà khoa học để tìm giải pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để lắp đặt thêm một số trạm quan trắc tự động tại những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của nước mặn. Các địa phương phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức giải phóng chà, nò và vật cản trên sông, kênh, rạch để khơi thông dòng chảy, cũng như tăng cường tuyên truyền người dân trông coi trẻ nhỏ nhằm không để trẻ bị đuối nước trong mùa mưa lũ, nơi nào để xảy ra sự cố liên quan vấn đề này thì người đứng đầu chịu trách nhiệm...

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>