Huyện Phụng Hiệp: Họp mặt kỷ niệm 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính

18/09/2020 | 07:56 GMT+7

(HG) - Huyện Phụng Hiệp vừa tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính (2005-2020). Đến dự có ông Sầm Trung Việt, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Huỳnh Chiến Công, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ông Trần Văn Huyến, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; bà Thái Thu Xương, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; ông Cam Quang Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; cùng lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo huyện Phụng Hiệp qua các thời kỳ và đông đảo Nhân dân.

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Trần Văn Huyến, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, ghi nhận những nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phụng Hiệp trong suốt 15 năm qua. Nhờ sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, huyện Phụng Hiệp giờ đã “thay da, đổi thịt”. Trên nền tảng đạt được, ông Trần Văn Huyến đề nghị huyện tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, khơi dậy nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ngày 26-7-2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2005/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Tân Hiệp, tỉnh Hậu Giang; thành lập phường, xã thuộc thị xã Tân Hiệp. Thực hiện nghị định này, huyện Phụng Hiệp điều chỉnh thành 2 đơn vị hành chính là thị xã Tân Hiệp (nay là thành phố Ngã Bảy) và huyện Phụng Hiệp. Sau 15 năm chia tách, huyện Phụng Hiệp giờ đã trở thành vùng kinh tế giàu tiềm năng của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm, cao gấp 7 lần so với thời điểm mới chia tách. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi nhận thức trong sản xuất của người dân đã nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đến nay, đã có 8.700ha lúa, mía kém hiệu quả được phân vùng sản xuất đạt chuẩn GAP, liên kết tiêu thụ, như: cánh đồng lớn 650ha, vùng mía nguyên liệu 5.000ha, vùng cây ăn trái đặc sản 625ha. Đến nay, huyện có 12 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 50 triệu đồng/ha/năm, phát triển 889 mô hình làm ăn có hiệu quả, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 100 triệu đến hơn 1 tỉ đồng/năm. Chiến dịch giao thông - thủy lợi và trồng cây hàng năm, huyện vận động nguồn xã hội hóa, sự đồng lòng của người dân đầu tư mới, sửa chữa hơn 1.200km đê bao, khép kín 46% diện tích đất nông nghiệp. Hiện 100% trung tâm xã có lộ ô tô về đến trung tâm... Đây là tiền đề để huyện xây dựng thành công 1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 6/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện toàn huyện có 51/64 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xóa đói, giảm nghèo và chăm lo gia đình chính sách, 15 năm qua huyện đã xây dựng, sửa chữa hơn 5.000 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tổng trị giá 126 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho 81.000 lao động nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo từ 24,68% năm 2005 nay giảm còn 8,14%.

LÊ ĐĨNH - VĂN MINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>