Luôn trong tư thế chủ động và sẵn sàng ứng phó các loại hình thiên tai

11/06/2021 | 08:28 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 10-6, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trong tỉnh để tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tham dự và chủ trì hội nghị có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. 

Ông Đồng Văn Thanh (đứng), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị ngành chức năng có liên quan thông tin kịp thời tới người dân về các dự báo tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều cơn giông lốc làm sập hoàn toàn 72 căn nhà của người dân, tốc mái 272 căn; xảy ra 2 trường hợp sét đánh làm chết người; đồng thời xảy ra 49 điểm sạt lở bờ sông (ở huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy), tổng chiều dài 1.244m, diện tích mất đất 5.954m2. Ngoài ra, tình hình mưa dầm, giông lốc còn gây nhiều thiệt hại về lúa, hoa màu, cây ăn trái cho người dân trong tỉnh. Mặt khác, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 cũng diễn ra gay gắt, trong đó độ mặn cao nhất trên địa bàn thành phố Vị Thanh là 18,3‰, còn tại huyện Long Mỹ là 18,6‰. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 là gần 31,6 tỉ đồng, tăng hơn 26,2 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Về công tác ứng phó, trong năm 2020 mặc dù xuất hiện nhiều loại hình thiên tai, nhưng nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời từ công tác phòng ngừa, ứng phó đến khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ” nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cho người dân, nhất là không có thiệt hại đáng kể do chủ quan gây ra.

Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 22 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài sạt lở 521m, diện tích mất đất 2.973m2; giông lốc làm sập hoàn toàn 8 căn nhà dân, tốc mái 16 căn; nồng độ mặn cao nhất tại thành phố Vị Thanh là 11,2‰, còn trên địa bàn huyện Long Mỹ là 10,4‰. Về dự báo tình hình thiên tai vào những thàng cuối năm, mực nước trên hệ thống kênh, rạch trong tỉnh biến đổi theo triều và từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 11 tới ảnh hưởng triều cường biển Đông và lũ trên sông Hậu; đỉnh cao nhất năm xuất hiện vào đầu đến giữa tháng 10 tới; đồng thời cần đề phòng các đợt triều cường cuối năm trùng với thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, mực nước triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, khi xuất hiện mưa thường kèm theo giông lốc với cường độ lớn cục bộ, xảy ra ở nhiều nơi và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm…

Các địa phương luôn tăng cường kiểm tra bến đò ngang, đò dọc đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Trước dự báo tình hình thời tiết như trên, tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các ngành và địa phương trong tỉnh phải luôn trong tư thế chủ động và sẵn sàng ứng phó các loại hình thiên tai. Cụ thể là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, cũng như thông tin kịp thời tới các địa phương, nhất là người dân trong vùng sâu, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai về các dự báo tình hình thiên tai từ Trung ương, tỉnh vào từng thời điểm. Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, nâng cấp, xây dựng mô hình thông minh ứng phó thiên tai. Tiếp tục triển khai mô hình kè sinh thái chống sạt lở tại các vùng nông thôn, đặc biệt trên các tuyến kênh có lộ giao thông nguy cơ sạt lở; tổ chức rà soát và sớm khắc phục những công trình phòng, chống thiên tai, đồng thời thường xuyên tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, phát quang cây xanh xung quanh nhà nhằm hạn chế tình trạng nhà sập, tốc mái, cây đổ ngã khi có giông lốc xảy ra; cũng như tiến hành giải phóng chà, nò, đăng đáy, vật cản trên sông để thoát lũ nhanh và tổ chức kiểm tra các bến đò ngang, đò dọc đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ...

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>