Phải chủ động ứng phó với mọi tình huống của thiên tai

25/05/2017 | 07:32 GMT+7

Năm 2016, thiên tai gây thiệt hại gần 40 tỉ đồng

Tổ chức trực nghiêm túc 24/24 giờ trong suốt mùa mưa bão

(HG) - Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong tỉnh để tổng kết công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 do Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổ chức vào chiều ngày 24-5.

Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng (đứng) đề nghị các địa phương phải có kế hoạch cụ thể để chủ động trong ứng phó thiên tai. Ảnh: HỮU PHƯỚC

Năm 2016, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp và gay gắt. Theo đó, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, kéo dài và duy trì ở nồng độ cao từ 10-19,7‰.

Cho nên đã làm cho hơn 6.000ha lúa Đông xuân và Hè thu bị ảnh hưởng, khoảng 1.000ha thủy sản không xuống giống kịp thời vụ và 1.400 hộ làm nghề đan đát lục bình bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 14 cơn lốc xoáy và mưa lớn, làm sập 99 căn nhà, tốc mái 84 căn; xảy ra 61 điểm sạt lở bờ sông, với diện tích mất đất hơn 4.000m2; có 3 đợt triều cường lớn, trong đó đỉnh triều cao nhất tại thị xã Ngã Bảy là 1,4m, cao hơn đỉnh lũ cùng kỳ 2cm.

Tuy tình hình thiên tai năm 2016 diễn ra gay gắt, khó lường nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành tỉnh và sự chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” đã góp phần giảm thiệt hại đáng kể cho người dân. Cụ thể, tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2016 gây ra trên địa bàn tỉnh gần 40 tỉ đồng. Theo dự báo của cơ quan chức năng thì tình hình mưa, bão và áp thấp nhiệt đới diễn ra trên địa bàn tỉnh vào những tháng mùa mưa năm 2017 sẽ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Đáng nói là khi xuất hiện mưa thường kèm theo giông với cường độ lớn cục bộ, xảy ra ở nhiều nơi và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Do đó các địa phương cần đề phòng giông lốc, sét đánh vào thời kỳ chuyển mùa, hay ở các tháng đầu mùa mưa.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đề nghị các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và địa phương cần tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo cho công tác sẵn sàng chỉ đạo, chỉ huy từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết được chủ động, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả hơn. Từ đầu năm đến nay, những địa phương nào có sạt lở bờ sông, nhà sập, tốc mái thì sớm khắc phục để ổn định đời sống cho người dân, cũng như có giải pháp ứng phó trong thời gian tới. Mặt khác, các địa phương phải thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại khi thiên tai xảy ra. Đồng thời khuyến cáo người dân bồi trúc bờ bao bảo vệ sản xuất, tháo dỡ chà nò trên các tuyến sông, kênh, rạch để khơi thông dòng chảy và chỉ xuống giống vụ lúa Thu đông ở những nơi đạt tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới...

- Đây là một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang của Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo đó, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thị xã và thành phố tổ chức trực nghiêm túc thường xuyên 24/24 giờ trong suốt mùa mưa, lũ, bão (từ ngày 1-6 đến 31-12-2017) để kịp thời nắm bắt thông tin hai chiều giúp cho lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp và nhân dân kịp thời ứng phó với thiên tai. Phải có kế hoạch chỉ đạo ngay từ đầu chi tiết, đầy đủ, kịp thời để ứng phó có hiệu quả khi có tình huống bão đổ bộ vào tỉnh Hậu Giang; có phương án sơ tán dân tránh bão một cách an toàn trước khi bão đổ bộ vào; đồng thời, kiểm tra và kiện toàn trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trang thiết bị thông tin liên lạc từ tỉnh xuống cơ sở và dự trù kinh phí phục vụ cho công tác chỉ đạo, kiểm tra khắc phục hậu quả thiên tai trong suốt mùa mưa, lũ, bão năm 2017.

HỮU PHƯỚC - NGUYỄN GIA

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>