Phải thực hiện thực chất, không hình thức

23/07/2019 | 16:34 GMT+7

(HGO) - Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, diễn ra vào sáng ngày 23-7. Dự điểm cầu Hậu Giang có ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang cảnh điểm cầu Hậu Giang.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác này ngày càng được nâng lên. Nhờ vậy mà các bộ, ngành, địa phương có sự quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thời gian qua.

Cho rằng công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện còn nhiều hạn chế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ này phải đi vào thực chất, không hình thức. Đặc biệt là tránh tình trạng làm theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thực hiện cần có tính thống nhất, đồng bộ chứ không phải mỗi nơi có mỗi cách làm khác nhau.

Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để vận hành, sử dụng hiệu quả công nghệ vào xử lý công việc. Các công ty, doanh nghiệp viễn thông phải tích cực tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hình thức hợp tác công tư.

Thủ tướng cũng giao cho Văn phòng Chính phủ theo dõi, nắm bắt tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử ở các bộ, ngành, địa phương. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào làm chậm trễ thì báo cáo Thủ tướng kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc…

Nhìn chung, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là tạo chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, cùng các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương và xác định những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới.

Đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử, như: Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ họp, xử lý công việc của Chính phủ; các nội dung lớn của Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện.

Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được nhận thức đầy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực. Theo công bố chưa chính thức cuối tháng 3-2019 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 50/193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về chỉ số an toàn, an ninh thông tin, tăng 50 bậc so với năm 2017.

Bên cạnh kết quả đạt được thì một số nội dung triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, còn tình trạng lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện.

Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử tại địa phương chưa bảo đảm các chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ gây lãng phí…

Tin, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>