Phát triển đồng bằng sông Cửu Long thuận với tự nhiên

18/06/2019 | 20:12 GMT+7

(HGO) - Chiều ngày 18-6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và nhiều nhà khoa học, chuyên gia về BĐKH trong nước và quốc tế. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đứng) chúc mừng những kết quả bước đầu trong ứng phó biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Sau gần 2 năm triển khai, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã được các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thực hiện quyết liệt, qua đây góp phần đạt nhiều kết quả quan trọng. Điển hình, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ cho 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (có tỉnh Hậu Giang), qua đây tạo nơi ở ổn định cho nhiều người dân nằm trong những vùng có nguy cơ sạt lở cao; đầu tư mới 154 điểm đo mưa, mực nước và mặn tự động; triển khai đề án phát triển đô thị thông minh; các địa phương đã thực hiện nhiều nhiệm vụ về điều tra, khảo sát, cảnh báo, dự báo trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (điển hình tỉnh Hậu Giang xây dựng bản đồ số xâm nhập mặn). 

Bên cạnh đó, chương trình ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh đã hỗ trợ ĐBSCL 20 dự án, với kinh phí 3.700 tỉ đồng để thực hiện nhiều công trình, dự án liên quan; triển khai 36 dự án cấp bách trong phòng, chống sạt lở, với kinh phí 2.500 tỉ đồng. Ngoài ra, nhiều dự án, công trình giao thông cũng được quan tâm đầu tư, xây dựng, đặc biệt là những công trình mang tính liên kết vùng như: Dự án cầu Mỹ Thuận 2, tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang), Quốc lộ 57 Bến Tre - Vĩnh Long, Quản lộ Phụng Hiệp,… Ngoài ra, các địa phương còn chú trọng quan tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương còn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều tổ chức quốc tế. 

Bên cạnh những mặt đạt được thì các bộ, ngành Trung ương và địa phương ĐBSCL còn đưa ra một số mặt hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 120 thời gian qua. Cụ thể, khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh còn hạn chế; nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, trong đó việc sản xuất của người dân còn phụ thuộc vào mùa vụ, thị trường, giá thành sản xuất còn cao; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ngày càng diễn biến nhanh và có xu hướng nghiêm trọng hơn, đồng thời chưa có giải pháp hiệu quả trong thúc đẩy ngành kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch, công nghiệp chế biến...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nghị quyết số 120 của Chính phủ là nhằm phát triển ĐBSCL thuận với tự nhiên và những kết quả bước đầu cho thấy đây là một nghị quyết đúng đắn trong việc giúp ĐBSCL phát triển kinh tế - xã hội trước tình hình BĐKH. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết 120 hiện chỉ mới ở bước đầu, để đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đề ra thì khối lượng thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cần triển khai còn rất lớn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách, trong đó ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông và sụt lún đất trong vùng đang diễn ra rất nhanh và ngày càng trầm trọng để ổn định cuộc sống người dân; đồng thời khi triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn nhằm triển khai mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững và chủ động thích ứng với BĐKH. Trong quá trình ứng phó BĐKH các địa phương ĐBSCL cần dựa vào tự nhiên mà phát triển và nên biến nguy cơ thành cơ hội để có giải pháp thích ứng. Cần tăng cường vận động người dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng hướng đến nền nông nghiệp xanh. Ngoài ra, Bộ TN&MT có kế hoạch thay đổi lại quy hoạch đất sản xuất tại ĐBSCL theo từng giai đoạn để phù hợp với tình hình thực tế…     

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>