Quan tâm thực hiện 3 phương châm đột phá hội nhập kinh tế quốc tế

23/04/2019 | 16:21 GMT+7

(HGO) - Ngày 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”. Tại điểm cầu Hậu Giang, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cùng các sở, ngành liên quan tham dự.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hậu Giang.

5 năm qua, kết quả hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đạt được nhiều kết quả, góp phần củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị, quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo toàn phát huy văn hóa dân tộc; tăng cường uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với đó, hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nhờ đó, Việt Nam đã được 71 quốc gia trên thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường, quan tâm hợp tác dài lâu. Từ một nước nhập siêu liên tục, hội nhập kinh tế quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu cao trong 3 năm gần đây.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì nước ta vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế cần khắc phục để “tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”. Đó là chưa đủ nhạy bén trong tư duy nên chưa theo kịp tốc độ của quốc tế. Sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương chưa cao nên còn xảy ra nhiều vấn đề tranh chấp; công tác nghiên cứu, dự báo còn bị động nên chưa lường trước được những rủi ro, biến động; cơ quan nghiên cứu cấp bộ chưa có nhiều đề xuất mang tính đột phá, đổi mới… Thủ tướng yêu cầu các cấp, bộ, ngành quan tâm thực hiện 3 phương châm đột phá. Một là nâng tầm; hai là toàn diện, sâu rộng; ba là đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Ban Chỉ đạo không chủ quan với những kết quả đạt được mà phải có kế hoạch đầu tư, chính sách phù hợp, kịp thời hơn, tránh bị tụt hậu và nâng cao năng lực cạnh tranh ở một số ngành còn thiếu, còn thấp. Bên cạnh đó, quan tâm đẩy mạnh công tác đối ngoại ở địa phương; coi người dân và doanh nghiệp là chủ thể trong phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Thường xuyên phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới, trong đó phải đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 để Việt Nam đạt ngang tầm với một số nước trong khu vực.

Năm qua, kết quả hội nhập kinh tế quốc tế của Hậu Giang cũng đạt được nhiều kết quả đáng kể.

Tại Hậu Giang, trong năm 2018, công tác đối ngoại cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, có 8 bản ghi nhớ hợp tác với các nước bạn, tăng 4 bản so với năm 2017. Nổi bật là UBND tỉnh ký kết hợp tác với Tập đoàn Geumsan (Hàn Quốc) về phát triển hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, thương mại sau thu hoạch…; với Trung tâm hợp tác Ấn Độ - Việt Nam chế biến mật gỉ đường mía thành rượu rum và xăng sinh học; Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh ký kết với Tổ chức FACT (Hàn Quốc) triển khai các mô hình trình diễn thử nghiệm chế phẩm và thiết bị của Hàn Quốc trên lúa, khóm, xoài, bưởi. Ngoài ra, trong năm qua tỉnh có cho phép 95 lượt cán bộ, công chức đi nước ngoài; hơn 100 đoàn khách người nước ngoài với gần 900 người tới thăm và làm việc tại tỉnh. Kết quả hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh tăng so với cùng kỳ năm trước với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ngoại tệ ước đạt hơn 1,048 tỉ USD. Tỉnh còn thu hút được vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với tổng mức đầu tư là 2.898.000 USD…

 

Tin, ảnh: TRÚC LINH

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>