Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Sẽ xem xét đến yếu tố liên kết vùng

19/08/2019 | 06:53 GMT+7

(HG) - Cuối tuần qua, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ban chỉ đạo quy hoạch tỉnh) và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2025 để nghe báo cáo tiến độ thực hiện, đồng thời đóng góp ý kiến cho các nội dung liên quan. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu (đứng) đề nghị từng đơn vị liên quan sớm hoàn thành các công việc theo kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quy hoạch tỉnh, đến thời điểm này, đơn vị đã thành lập được tổ giúp việc và ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo.

Bên cạnh đó, đơn vị đã thông qua HĐND tỉnh về chủ trương lập quy hoạch; đã thực hiện xong yêu cầu lập nhiệm vụ quy hoạch và dự toán lập nhiệm vụ quy hoạch; đồng thời đã gửi lấy ý kiến góp ý của các ngành liên quan và dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt nội dung và chi phí, từ đó làm cơ sở lựa chọn đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà Ban chỉ đạo quy hoạch tỉnh gặp phải là một số Nghị định, Thông tư có liên quan đến việc hướng dẫn và định mức quy hoạch của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành chậm nên kéo theo việc thực hiện nhiều công việc tiếp theo có thể bị trễ và rất khó hoàn thành trước ngày 31-12-2020 theo quy định. Ngoài ra, hiện Ban chỉ đạo quy hoạch tỉnh rất khó trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch vì số lượng đơn vị này ở miền Nam có đủ điều kiện rất ít...

Đại diện lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh cam kết sẽ quan tâm hơn về rác thải sinh hoạt của người dân trong thời gian tới.

Còn theo Tiểu Ban Kinh tế - xã hội tỉnh, căn cứ vào kết quả thực hiện phát triển kinh tế nhiệm kỳ 2016-2020 và tình hình thực tế, Tiểu Ban Kinh tế - xã hội tỉnh đề ra kịch bản trong phát triển kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ 5 năm tới (2021-2025) để các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương đề ra các giải pháp phấn đấu thực hiện là tăng trưởng bình quân đạt 8,3%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng (dự kiến bằng 83,6% thu nhập bình quân cả nước). Để đạt được mục tiêu trên thì nhiệm vụ trọng tâm cần làm là tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững và xây dựng chính quyền điện tử; đồng thời đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng việc thực hiện quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công việc mới nên không tránh khỏi sự lúng túng trong cách làm, do đó các đơn vị được giao nhiệm vụ cần có sự chủ động hơn; dù có khó khăn nhưng phải thực hiện và làm có chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, quy hoạch ngoài yếu tố phù hợp với tính đặc thù riêng của tỉnh thì còn xem xét đến yếu tố liên kết vùng, tránh tư duy nhiệm kỳ. Đối với Tiểu Ban Kinh tế - xã hội tỉnh, mà chủ công là Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cần phối hợp chặt hơn với các sở, ngành tỉnh và địa phương để sớm hoàn thiện nội dung báo cáo. Trong đó, việc xây dựng và đề ra các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ tới phải có cơ sở, kịch bản rõ ràng để làm động lực thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, đặc biệt là đề cập sâu về vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là rác thải sinh hoạt của người dân...

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>