Sớm hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp bền vững

17/09/2020 | 15:36 GMT+7

(HGO) - Sáng 17-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đã làm việc với các đơn vị liên quan về tiến độ thực hiện đề án phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tại buổi làm việc, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị tổ biên tập đề án sớm hoàn thiện trong tháng 9, sau khi hoàn thành phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động chính sách của đề án. Sau khi đề án được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch để phối hợp các địa phương thực hiện. Về nội dung đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất mục tiêu đầu tư cho 15 hợp tác xã, 3 liên hiệp hợp tác xã; hoạt động hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng. Xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị tổ biên tập sớm hoàn thiện đề án trong tháng 9.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại hội nghị báo cáo dự thảo đề án phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 lần 1, tổ biên tập đã tổng hợp các ý kiến đóng góp tập trung các nội dung về căn cứ pháp lý, quan điểm xây dựng đề án, phạm vi, đối tượng áp dụng, mục tiêu, xác định ngành hàng chủ lực đưa vào đề án, chính sách đặc thù, vốn và nguồn vốn đầu tư, giải pháp thực hiện, danh mục dự án ưu tiên đầu tư. Căn cứ các ý kiến đóng góp, tổ biên tập đang phối hợp với chuyên gia tư vấn chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo, dự kiến gửi lấy ý kiến lần 2 từ ngày 24 đến 30-9.

Đề án phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 nhằm mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Hậu Giang xây dựng được 15 mô hình hợp tác xã quy mô nhỏ và 3 liên hiệp hợp tác xã phát triển toàn diện và hoạt động hiệu quả; 1 mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa phi lợi nhuận và 3 trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng máy móc, thiết bị. Xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp. Định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng GDP nông nghiệp của tỉnh đạt trên 3%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông lâm thủy sản đạt trên 5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt trên 5%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động; tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt trên 30%. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch đạt 50%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường đạt trên 30%; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt 50%; giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp/GDP nông nghiệp của vùng xuống 20% so với năm 2010. Khái toán tổng nhu cầu vốn của đề án khoảng 620 t đồng.

Chính quyền địa phương và người dân đang kỳ vọng đề án phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 36 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chuẩn bị dự thảo kế hoạch phòng, chống hạn mặn năm 2021; tham mưu, rà soát các địa phương có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt như huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh để có phương án sớm chuẩn bị cho mùa hạn, mặn sắp tới.

 

Tin, ảnh: THÚY HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>