Tìm hiểu pháp luật: Bộ luật Lao động

03/12/2020 | 08:34 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Thế nào là đối thoại tại nơi làm việc? Nội dung đối thoại tại nơi làm việc ?

Đáp: Khoản 1 Điều 63 và Điều 64 Bộ luật Lao động quy định:

- Đối thoại tại nơi làm việc: Là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

- Nội dung đối thoại tại nơi làm việc:

+ Nội dung đối thoại bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 của Bộ luật này.

+ Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, các bên lựa chọn một hoặc một số nội dung sau đây để tiến hành đối thoại: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; điều kiện làm việc; yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động; yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động; nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Hỏi: Thế nào là thương lượng tập thể? Cho biết nguyên tắc và nội dung thương lượng tập thể ?

Đáp: Điều 65 Bộ luật Lao động quy định thương lượng tập thể: Là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Điều 66 Bộ luật Lao động quy định nguyên tắc thương lượng tập thể: Thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch.

- Theo Điều 67 Bộ luật Lao động quy định: Các bên thương lượng lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để tiến hành thương lượng tập thể:

+ Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;

+ Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;

+ Bảo đảm việc làm đối với người lao động;

+ Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;

+ Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;

+ Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;

+ Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Hỏi: Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần, vô hiệu toàn bộ trong trường hợp nào? Thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu ?

Đáp: Điều 86 Bộ luật Lao động quy định thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần, vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau:

+ Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật.

+ Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật; người ký kết không đúng thẩm quyền; không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

- Điều 87 Bộ luật Lao động quy định thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu: Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích