Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Khiếu nại

09/05/2019 | 07:36 GMT+7

Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011, Luật gồm 8 Chương, 70 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.

Nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân có nhu cầu tìm hiểu, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Khiếu nại dưới dạng hỏi - đáp, như sau:

Hỏi: Khiếu nại là gì ?

Đáp:  Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Hỏi: Người khiếu nại là ai ?

Đáp: Khoản 2 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.

 Hỏi: Nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 4 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời.

Hỏi: Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nại được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 5 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

- Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình; nếu trái pháp luật phải kịp thời sửa chữa, khắc phục, tránh phát sinh khiếu nại.

Nhà nước khuyến khích việc hòa giải tranh chấp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó.

Hỏi: Các hành vi nào bị nghiêm cấm ?

Đáp: Điều 6 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:

- Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại.

- Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.

- Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định.

- Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại.

- Cố tình khiếu nại sai sự thật;

- Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.

- Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác.

- Vi phạm quy chế tiếp công dân;

- Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích