Tìm hiểu pháp luật: Luật Cư trú

28/12/2020 | 17:48 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Cho biết quy định quyền và nghĩa vụ của công dân về cư trú ?

Đáp: Điều 8, 9 Luật Cư trú quy định:

- Quyền của công dân về cư trú:

+ Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

+ Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

+ Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.

+ Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.

+ Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.

+ Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú.

+ Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật

- Nghĩa vụ của công dân về cư trú:

+ Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

+ Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp.

+ Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Hỏi: Cho biết quy định quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú ?

Đáp: Điều 10 Luật Cư trú quy định quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú:

- Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình.

- Người không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp theo quy định của Luật này thì được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào cùng một hộ gia đình.

- Nhiều hộ gia đình có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp.

- Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định.

Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.

- Chủ hộ có quyền và nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú và những nội dung khác theo quy định của Luật này; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú về việc trong hộ gia đình có thành viên thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 29 của Luật này.

- Thành viên hộ gia đình có quyền và nghĩa vụ thống nhất đề cử chủ hộ; thực hiện đầy đủ quy định về đăng ký, quản lý cư trú.

Hỏi: Luật Cư trú quy định như thế nào về nơi cư trú của công dân? Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì thì nơi cư trú của công dân được xác định như thế nào ?

Đáp: Điều 11, 19 Luật Cư trú quy định:

- Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.

- Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định: Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống, người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

Hỏi: Cho biết quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên, người được giám hộ, vợ, chồng ?

Đáp: Điều 12, 13, 14 Luật Cư trú quy định:

- Nơi cư trú của người chưa thành niên:

+ Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.

+ Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác, với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

- Nơi cư trú của người được giám hộ:

+ Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ.

+ Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

- Nơi cư trú của vợ, chồng:

+ Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

+ Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>