2018 sẽ là năm thành công trong quan hệ Việt Nam - Ai Cập

03/01/2018 | 07:57 GMT+7

Năm 2017 ghi nhận những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ai Cập trên các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế và văn hóa. Trong đó có chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Ai Cập tới Việt Nam sau 54 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao được xem là tiền đề quan trọng cho thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại. Nhân dịp năm mới 2018, phóng viên VOV tại Ai Cập đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long về triển vọng quan hệ hai nước trong năm mới.

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long.

Thưa Đại sứ, ông có thể điểm qua những kết quả nổi bật trong quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập trong năm 2017 ?

- Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ai Cập trong năm 2017 có điểm nhấn rất đáng ghi nhận. Đó là, 54 năm sau khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao, lần đầu tiên, một nguyên thủ của Ai Cập đã thăm cấp nhà nước đến Việt Nam vào tháng 9-2017. Thứ hai là sự kiện cuộc họp ủy ban hỗn hợp hai nước lần thứ 5 đã diễn ra trước thềm chuyến thăm của Tổng thống. Đây là cuộc họp có thời gian chuẩn bị lâu nhất, tức là 8 năm sau cuộc họp lần thứ 4.

Về mặt chính trị, đây là 2 sự kiện có điểm nhấn của năm 2017 và mở ra cơ sở cho quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện hơn giữa hai nước trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Về mặt kinh tế, mặc dù hai nước còn những điểm khó khăn trong quan hệ thông thương và quan hệ đầu tư, tuy nhiên, năm 2017, chúng ta vẫn giữ được nhịp độ giao thương giữa hai nước bất chấp những khó khăn ở khu vực.

Về mặt văn hóa, cả hai nước đều có các bước tiến mạnh để thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước, con người của hai bên cho công chúng của hai nước. Về phần Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động, từ việc mở các phòng sách tại các thư viện công cộng trên nhiều tỉnh, thành của Ai Cập, đến việc tổ chức tuyên truyền trực tiếp về đất nước, con người Việt Nam trên sóng truyền hình nhà nước của Ai Cập nhằm quảng bá thông tin, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, về các di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những chương trình này không chỉ được phát sóng tại Ai Cập mà còn ở cả khu vực nữa, số người được tiếp cận với hoạt động văn hóa này và hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam được mở rộng ra rất nhiều.

Năm 2018 là năm Việt Nam và Ai Cập sẽ kỷ niệm 55 năm thành lập quan hệ ngoại giao. Vậy để chuẩn bị cho sự kiện này, chúng ta có những chương trình và kế hoạch nào để thúc đẩy mối quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp này ?

- Năm 2018 sẽ là một năm bận rộn nhưng chắc chắn sẽ là một năm hai nước triển khai được rất nhiều hoạt động có ý nghĩa. Về mặt tổng quan, sau chuyến thăm của Tổng thống, hai bên đã ký được 9 văn bản thỏa thuận về nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, y tế... Những văn bản hợp tác này là cơ sở rất quan trọng để hai bên triển khai.

Việc chúng ta cần làm bây giờ là tạo một cơ chế để thúc đẩy và biến nó thành hiện thực. Hiện nay, Đại sứ quán đã có một chương trình làm việc với Bộ Hợp tác và Đầu tư Ai Cập nhằm xây dựng một cơ chế làm việc trực tiếp với Bộ và các đối tác liên quan đến từng văn bản hợp tác và thúc đẩy triển khai các văn bản này.

Thứ hai, về chương trình ngoại giao chính trị, trong chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập đến Việt Nam lần trước, Tổng thống Ai Cập đã có lời mời chính thức tới lãnh đạo cấp cao của ta thăm Ai Cập. Chúng tôi hy vọng việc này cũng sẽ được xúc tiến và diễn ra trong năm 2018. Ngoài ra, việc trao đổi đoàn, từ cấp cao, tới các bộ, ngành sẽ diễn ra thường xuyên hơn để triển khai các văn bản hợp tác.

Về mặt kinh tế, việc thực hiện các thỏa thuận do Ủy ban Hỗn hợp hai nước đã ký trong tháng 9-2017 là quá trình cần đầu tư nhiều nguồn lực, do vậy trong năm 2018, Đại sứ quán đã lên chương trình để tiếp xúc với các Bộ, ngành liên quan để triển khai các thỏa thuận hợp tác này.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xúc tiến mạnh hơn nữa công tác quảng bá về kinh tế của Việt Nam để các doanh nghiệp hai nước có cơ hội tiếp cận lẫn nhau và triển khai các hoạt động kinh tế. Hy vọng trong năm 2018, kim ngạch thương mại của hai nước sẽ tăng lên so với năm 2017.

Những bước tiến đầu tiên về mặt đầu tư cũng đã được triển khai và hy vọng trong năm 2018, những khoản đầu tư hiện nay còn đang rất nhỏ từ Ai Cập sang Việt Nam và từ Việt Nam sang Ai Cập sẽ có những dấu hiệu khởi sắc.

Về văn hóa, trong năm 2018, chúng tôi sẽ nhấn mạnh vào hai điểm: thứ nhất là chương trình tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ai Cập và châu Phi. Chúng tôi đã làm việc với Thống đốc của Cairo và một số bộ, ngành liên quan của Ai Cập, thành phố kết nghĩa giữa Việt Nam và Ai Cập (hiện nay chúng tôi đang làm việc với thành phố Luxor và tỉnh Ninh Bình của ta để kết nghĩa hai cố đô của hai nước và kết nghĩa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Cairo). Bên cạnh đó, năm 2018 sẽ là năm triển khai năm văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam tại Ai Cập cũng như năm văn hóa Ai Cập tại Việt Nam.

Những việc này sẽ chiếm rất nhiều thời gian và nguồn lực của hai bên. Tuy nhiên, tôi cũng đã có tiếp cận những giới chức ở đây, đặc biệt là với vị Đại sứ của Ai Cập, người sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam vào tháng 2 tới. Ông Đại sứ cho biết cũng đã có những chương trình riêng của mình và đặt nó trong quan hệ tổng thể của hai nước trong năm 2018.

Với cơ sở như vậy, tôi hy vọng năm 2018 sẽ là một năm thành công trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ai Cập.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ !

Theo VOV.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>