Chủ tịch Quốc hội hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan

15/08/2017 | 08:07 GMT+7

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Lập pháp Quốc gia Vương quốc Thái Lan do Ngài Pornpetch Wichitcholchai, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Quốc gia dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 16-8.

Lễ đón chính thức Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Quốc gia tại Nhà Quốc hội.

Sáng ngày 14-8, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra lễ đón trọng thị, ngay sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì cuộc hội đàm.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đánh giá cao những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước cũng như giữa hai cơ quan lập pháp thời gian qua. Phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán của mình là luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược với Thái Lan; đề nghị hai bên tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai Đối tác chiến lược giai đoạn 2014-2018, cũng như các cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước, như: họp Nội các chung, Ủy ban hỗn hợp, Tham khảo chính trị, Đối thoại cấp cao về an ninh, Đối thoại chính sách quốc phòng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong bối cảnh an ninh khu vực, thế giới nói chung và châu Á-Thái Bình Dương nói riêng, đang ngày càng phức tạp, Quốc hội Việt Nam ủng hộ hai Chính phủ tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.

Hai bên cùng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng thời gian qua; thống nhất ủng hộ hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác đào tạo, duy trì tuần tra chung Hải quân theo hướng đi vào hiệu quả, thực chất; Bộ Quốc phòng hai nước thường xuyên cử đoàn cấp cao thăm viếng lẫn nhau; duy trì việc giao lưu sĩ quan các cấp trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực hợp tác tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam và Thái Lan cùng là thành viên trong khối ASEAN và là đối tác tin cậy của nhau, do vậy cần tăng cường đoàn kết vì sự thống nhất và sức mạnh chung của Hiệp hội; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; kiên định các nguyên tắc chung, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất và tăng cường phối hợp trên cơ sở lập trường và quan điểm của ASEAN đối với các vấn đề khu vực và quốc tế; triển khai hiệu quả Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hướng tới xây dựng Cộng đồng An ninh - Chính trị trong thời gian tới.

Quốc hội Việt Nam đề nghị hai bên tiếp tục tích cực phối hợp với nhau và với các nước khu vực Mekong thúc đẩy hợp tác, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước; triển khai hiệu quả kết quả của Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 vào tháng 10-2016.

Trên lĩnh vực thương mại và đầu tư, hiện tại kim ngạch thương mại hai nước đạt xấp xỉ 1,3 tỉ USD và Thái Lan đứng thứ 10 về các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Việt Nam xếp thứ 8 về các nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Hiện nay, Việt Nam còn nhập siêu quá cao so với Thái Lan, cụ thể là khoảng 5 tỉ USD vào năm 2016.

Hai bên cùng cho rằng, cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước; Quốc hội hai bên cần tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như du lịch, đặc biệt là du lịch biển, công nghiệp dệt may, da giầy, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, nông sản, cơ khí chế tạo máy, hóa chất và nguyên vật liệu là ngành mà Thái Lan có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng.

Trong lĩnh vực đầu tư, phía Thái Lan mong muốn các nhà đầu tư Việt Nam sang đầu tư nhiều hơn tại Thái Lan. Về lĩnh vực du lịch, theo thống kê, năm 2016, lượng khách du lịch Việt Nam sang thăm Thái Lan đạt khoảng 800.000 lượt, nhưng lượng khách Thái Lan sang thăm Việt Nam mới đạt khoảng 260.000 lượt. Chủ tịch Pornpetch Wichitcholchai bày tỏ hy vọng, sau khi hoàn thiện các tuyến đường kết nối, lượng khách du lịch Thái Lan tới thăm Việt Nam sẽ nhiều hơn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, Việt Nam đề nghị hai bên thúc đẩy việc ký mới Biên bản Ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan; thúc đẩy việc ký Thỏa thuận “Thiết lập đường dây nóng hoạt động nghề cá trên biển”. Trong lĩnh vực lao động, hai bên cần xem xét mở rộng lĩnh vực, ngành nghề dành cho lao động Việt Nam trong những lĩnh vực mà Thái Lan đang thiếu hụt lao động, đặc biệt là công nhân nhà máy và dịch vụ. Đề nghị Bộ Lao động hai nước khẩn trương tiến hành các thủ tục để Việt Nam có thể cử và Thái Lan có thể tiếp nhận các lao động từ Việt Nam một cách chính thức.

Với đề nghị này của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Quốc gia Vương quốc Thái Lan nhấn mạnh, tại Thái Lan, theo quy trình, mọi văn bản thỏa thuận, ký kết với các nước đều phải được Hội đồng Lập pháp Quốc gia thông qua. Hiện tại, Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan đang xem xét các văn bản quan trọng, trong đó có các văn bản liên quan đến Việt Nam như về vấn đề lao động, đánh bắt cá trên biển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng và chân thành cảm ơn Chính phủ Thái Lan đã tạo thuận lợi cho cộng đồng người Thái gốc Việt hòa nhập vào xã hội Thái Lan, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện cho việc xây dựng, quản lý các Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani và Nakhon Phanom; đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo tồn và phát huy các di sản chung này.

Theo VOV.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>