Chuyên gia Ấn Độ: “Việt Nam xử lý thành công làn sóng Covid-19 thứ hai”

30/09/2020 | 07:38 GMT+7

Ông S D Pradhan, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Ấn Độ, có bài viết khẳng định Việt Nam xử lý thành công làn sóng Covid-19 thứ hai.

Theo nội dung bài viết, sự khéo léo trong xử lý làn sóng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam nhận được nhiều lời khen ngợi. Việt Nam ghi nhận 2 cas nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23-1 và có khoảng 350 cas trên khắp cả nước vào cuối tháng 6.

Xét nghiệm Covid-19 cho những đối tượng có nguy cơ. Ảnh: TTXVN

Thông qua việc thực hiện các biện pháp kịp thời, Việt Nam đã ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch và quan trọng là không có trường hợp nào tử vong.

Việt Nam đã sớm thực hiện nhiều sáng kiến và nhận thức chính xác bản chất của thách thức; coi Covid-19 là kẻ thù của nhân loại, tuyên chiến và thực hiện mọi biện phạm để ngăn chặn sự lây lan.

Việt Nam đã đóng cửa biên giới, tuyên bố giãn cách toàn xã hội, thiết lập các cơ sở cách ly, kiểm tra chặt chẽ và truy tìm dấu vết các cas mắc thông qua ứng dụng di động trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Việt Nam cũng theo dõi những người tiếp xúc F2, F3, F4 đối với người nhiễm bệnh, đồng thời đưa ra chính sách cách ly nghiêm ngặt.

Khi Trung Quốc công bố trường hợp tử vong đầu tiên do vi-rút corona, Việt Nam đã ngay lập tức thực hiện kiểm tra sức khỏe tại sân bay, kiểm tra thân nhiệt của tất cả du khách; hoãn tất cả chuyến bay đi và đến Trung Quốc trong giai đoạn đầu và sau đó là hoãn tất cả các chuyến bay quốc tế. Việc xác định ổ dịch và xác định các bước đi cần thiết để cách ly khu vực đã được thực hiện từ sớm ở Việt Nam.

Giống như các nước khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai. Sau 99 ngày không ghi nhận cas nhiễm mới, Covid-19 đã một lần nữa xuất hiện vào ngày 25-7-2020 tại Đà Nẵng.

Vi-rút đã lây lan tới Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất nhanh. Tính đến giữa tháng 9, đã có 1.059 người nhiễm Covid-19 và 35 người tử vong. Số liệu này là không đáng kể khi so sánh với các nước khác.

Việt Nam đã kiên quyết đối phó khi bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai và hoãn tất cả chuyến bay từ Trung Quốc đại lục và không lâu sau đó là tất cả các chuyến bay quốc tế. Thị thực và khách du lịch cũng bị đình chỉ để kiểm soát sự lây lan của vi-rút.

Chính phủ Việt Nam đã quyết định sơ tán 80.000 du khách khỏi Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng đã tiến hành các quy trình khử trùng quy mô lớn để kiểm soát sự lây lan của Covid-19 và thắt chặt kiểm soát di chuyển. Đà Nẵng cũng thiết lập giãn cách toàn thành phố, thành lập bệnh viện dã chiến gồm 500 giường bệnh để tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Giống như làn sóng dịch đầu tiên, tìm kiếm sự hợp tác từ người dân thông qua chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng hiệu quả là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam.

Người dân Việt Nam tuân thủ tuyệt đối quy định về giãn cách xã hội. Việt Nam khuyến khích hệ thống theo dõi theo khu phố, theo đó công dân được yêu cầu trình báo về hàng xóm nếu nghi ngờ người đó nhiễm bệnh. Các hướng dẫn của Chính phủ về tự cách ly tại nhà đã được người dân Hà Nội thực hiện nghiêm túc.

Toàn thể Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã giúp đỡ hết mình để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch như trong làn sóng dầu tiên. Họ đã đưa ra nhiều sáng kiến.

Tại Đà Nẵng, chính quyền và người dân đã cùng nhau chuẩn bị “bản đồ lây nhiễm” để giúp người dân địa phương tránh những điểm nóng dịch và dễ dàng tìm thấy cơ sở y tế gần nhất.

Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh cùng bệnh viện quân y đã thiết kế ra robot để thực hiện nhiệm vụ khử trùng bệnh viện và nơi công cộng. Các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được tăng cường.

Người dân và chính quyền cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm bớt tác động xã hội và tâm lý tiêu cực do đại dịch gây ra.

Việc Việt Nam xử lý thành công sự bùng phát của Covid-19 cho đến nay đã chứng minh rằng, sự chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các bệnh truyền nhiễm là yếu tố then chốt trong việc bảo vệ người dân.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số khó khăn. Cuộc chiến chống Covid-19 chưa kết thúc, do đó cần tiếp tục nỗ lực đối phó. Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, có nhiều khoảng trống do rừng tạo ra, cho nên cần nỗ lực hơn nữa để kiểm soát những dòng nhập cư bất hợp pháp vào Việt Nam.

Khi có vắc-xin, cần chuẩn bị trước việc phân phối. Bên cạnh đó, nhu cầu về phát triển khả năng phát hiện sớm hoặc dự đoán về đại dịch không nên bị nhấn mạnh quá mức. Nên sử dụng những dữ liệu thu thập được cho đến nay. Điều này cũng đòi hỏi sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Cần giải quyết các tác động về kinh tế của đại dịch. Nó đã gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những người nghèo và đối tượng dễ tổn thương cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cần đưa ra những gói hỗ trợ xã hội phù hợp.

Ngành du lịch cũng sẽ cần được thúc đẩy trong giai đoạn sau Covid-19. Đồng thời, cần phải khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những công ty đang có ý định chuyển khỏi Trung Quốc và Hong Kong. Hy vọng rằng, với bề dày kinh nghiệm đối phó với đại dịch, Việt Nam sẽ có thể giải quyết thành công tất cả thách thức nêu trên.

Theo VIETNAM+

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>