Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc: Leo thang căng thẳng

26/09/2018 | 08:39 GMT+7

Ngày 24-9, lệnh áp thuế bổ sung có tổng giá trị 260 tỉ USD của Mỹ và Trung Quốc nhằm vào nhau chính thức có hiệu lực. Đây là tín hiệu dự báo cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã chuyển sang giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm.

Trung Quốc hủy bỏ đàm phán thương mại và quân sự với Mỹ. Ảnh: SCMP

Theo đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức áp đặt gói thuế bổ sung 10% lên 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm hàng nghìn sản phẩm từ thực phẩm, găng tay bóng chày cho đến linh kiện lắp máy... và tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% từ 1-1-2019 nếu Bắc Kinh không có động thái thay đổi hành vi thương mại như hiện nay.

Động thái này đánh dấu bước xung đột mới, đẩy căng thẳng cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên đến đỉnh điểm. Theo các quan chức Mỹ, mục tiêu cuối cùng của chiến tranh thương mại với Trung Quốc là đạt được thương mại tự do, bình đẳng và buộc chính phủ nước này từ bỏ chính sách bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang trở nên nghi ngờ với ý định của Mỹ.

Các công ty lớn đã cảnh báo về thiệt hại của xung đột. Công ty Micron Technology của Mỹ nói gói thuế mới sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ trong năm tới. Lệnh trừng phạt của Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng đến các công ty năng lượng Mỹ khi xuất khẩu một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng vào thị trường nước này.

Trong khi đó, theo CNN, người tiêu dùng Mỹ có thể mất một thời gian khó khăn để đưa ra lựa chọn tiếp tục sử dụng sản phẩm từ Trung Quốc bị tăng giá đáng kể, hay dần học cách nói không với hàng “Made in China” và tìm các mặt hàng nhập khẩu khác thay thế. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, nếu Bắc Kinh không ngồi lại đàm phán với Washington, họ sẽ phải chọn cách từ bỏ thị trường Mỹ và tìm các đối tác khác từ Canada và châu Âu.

Trong một động thái liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Giám đốc EDD Li Shangfu sau khi cơ quan này tham gia thương vụ mua 10 máy bay chiến đấu Su-35 vào năm 2017 và các thiết bị liên quan tới hệ thống phòng không S-400 của Nga vào năm 2018. Với các lệnh trừng phạt tới đây, EDD sẽ không được xin giấy phép xuất khẩu hay tham gia vào hệ thống tài chính của Mỹ. Giám đốc EDD cùng với đó bị cấm thực hiện các giao dịch với nước ngoài và không được cấp thị thực Mỹ. Một số cá nhân ở EDD cũng sẽ bị liệt vào danh sách cấm làm ăn kinh doanh cùng công dân Mỹ. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định: “Washington nỗ lực bảo vệ người lao động Mỹ và buộc Trung Quốc phải chơi theo luật của Mỹ và chúng tôi sẽ thắng trong cuộc chiến này”.

“Ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc cũng đáp trả bằng gói thuế tương ứng từ 5-10% lên 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ như thịt, chất hóa học, quần áo và phụ tùng ô tô... Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vừa triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Brandstad để trao công hàm phản đối các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt. Mặt khác, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã triệu hồi Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long, người đang tham gia Hội thảo hải quân quốc tế lần thứ 23 ở Mỹ và hoãn một cuộc họp về cơ chế liên lạc giữa 2 bên dự kiến diễn ra từ ngày 25 đến 27-9 tại Bắc Kinh.

Bắc Kinh khẳng định hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc là hoạt động bình thường giữa các quốc gia có chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngay lập tức sửa chữa sai lầm và rút các biện pháp trừng phạt.

Giới quan sát nhận định động thái mới đây của Mỹ không chỉ làm gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung vốn đã âm ỉ vì cuộc chiến thương mại mà còn cho thấy Mỹ đang tỏ thái độ sẵn sàng đối đầu với Nga và Trung Quốc cả về thương mại lẫn quân sự.

Trung Quốc vừa công bố Sách Trắng với tựa đề “Sự thật tranh chấp thương mại Trung - Mỹ và lập trường của Trung Quốc” nêu rõ, kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, chính quyền Mỹ đã vứt bỏ những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế như tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, đồng thời áp dụng chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đưa ra những chỉ trích không đúng nhằm vào Trung Quốc, áp dụng các biện pháp thuế quan gây tổn hại đến lợi ích Trung Quốc. Trung Quốc đã nhiều lần kiên trì đối thoại nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp giữa hai bên tuy nhiên phía Mỹ đã không giữ đúng cam kết dẫn đến tranh chấp thương mại giữa hai nước ngày càng leo thang và căng thẳng, gây tổn hại đến lợi ích hai nước và người dân hai nước.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>