Diễn đàn BRI: Thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, vì hòa bình

25/04/2019 | 08:55 GMT+7

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” (BRI) lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc, từ ngày 25 đến 27-4-2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Các nguyên tắc trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9-2013) và Đông Nam Á (tháng 10-2013).

Về phạm vi địa lý, BRI trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ Latinh. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Đến nay, đã có 150 quốc gia và tổ chức quốc tế ký kết các thỏa thuận hợp tác liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong đó có việc tăng cường cộng hưởng giữa các sáng kiến liên kết kinh tế ở phạm vi quốc gia và khu vực với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần thứ nhất, lãnh đạo cấp cao 29 quốc gia đã thống nhất về các nguyên tắc chính của hợp tác “Vành đai và Con đường”.

Các nguyên tắc này được thể hiện trong Thông cáo chung của Hội nghị bàn tròn Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ nhất, gồm: hợp tác dựa trên tinh thần hòa bình, hợp tác, cởi mở, minh bạch, bao trùm, bình đẳng, học hỏi lẫn nhau, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, thông qua đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở tham vấn rộng rãi và thượng tôn pháp luật, cùng nỗ lực, chia sẻ lợi ích và cơ hội bình đẳng.

Những nguyên tắc định hướng hợp tác trên cơ sở phù hợp với luật pháp và chính sách của mỗi nước, bao gồm nguyên tắc tham vấn trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; xây dựng kế hoạch hợp tác và thúc đẩy các dự án hợp tác thông qua tham vấn.

Nguyên tắc cùng có lợi, tìm kiếm điểm đồng lợi ích và nền tảng hợp tác rộng nhất, có tính đến các quan điểm khác nhau của các bên liên quan.

Nguyên tắc hòa hợp và bao trùm, trên cơ sở nhận thức được sự đa dạng về văn hóa và tự nhiên của thế giới, công nhận tất cả các nền văn hóa và văn minh đều có thể đóng góp cho phát triển bền vững.

Nguyên tắc hoạt động dựa trên thị trường, nhận thức được vai trò của thị trường và vai trò của doanh nghiệp như những chủ thể chính, đồng thời bảo đảm Chính phủ thực hiện vai trò một cách phù hợp và nhấn mạnh tầm quan trọng của quy trình mua sắm công cởi mở, minh bạch và không phân biệt đối xử.

Nguyên tắc cân bằng và bền vững, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các dự án phải bảo đảm tính bền vững về kinh tế, xã hội, tài khóa, tài chính và môi trường; thúc đẩy các tiêu chuẩn cao về môi trường, bảo đảm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Việt Nam và Sáng kiến “Vành đai và Con đường”

Thành công của Việt Nam trong công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua là kết quả của những nỗ lực cải cách kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều cơ chế hợp tác thuộc nhiều tầng nấc từ hợp tác tiểu vùng, khu vực, cho tới liên khu vực và toàn cầu như Liên Hiệp Quốc, APEC, ASEM, ASEAN và các cơ chế hợp tác tại khu vực Mekong.

Việt Nam cũng tham gia vào việc hình thành các Hiệp định thương mại thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Nhằm phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được trong công cuộc Đổi mới và hướng tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Tháng 5-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” lần thứ nhất và có phát biểu quan trọng thể hiện quan điểm của Việt Nam về các nguyên tắc mà hợp tác cần bảo đảm để đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Tháng 11-2017, nhân chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai nước đã ký Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Hai bên đang trong quá trình thảo luận để xây dựng kế hoạch chung về thực hiện Bản ghi nhớ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ hai trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định và đạt những tiến triển mới, tích cực.

Theo VIETNAM+

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>