Rào cản ngăn quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng đẳng cấp thế giới

28/05/2019 | 14:25 GMT+7

Sự thiếu hụt quân nhân trình độ cao khiến quân đội Trung Quốc không đủ người vận hành vũ khí hiện đại để thực hiện tham vọng tăng sức mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc trong chuyến thăm Học viện Lục quân hôm 21/5. Ảnh: Xinhua.

"Hệ thống cơ sở đào tạo quân đội được thành lập để nghiên cứu phương án tác chiến và giành chiến thắng. Chúng ta cần tập trung vào những tình huống chiến đấu thực tế và đào tạo thêm nhiều nhân lực", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Học viện Lục quân ở thành phố Nam Xương hồi tuần trước.

Chuyến thăm diễn ra hai năm sau khi Chủ tịch Tập đặt ra hạn chót để quân đội Trung Quốc (PLA) thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và trở thành lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2035. Nhấn mạnh công nghệ là yếu tố cốt lõi cho sức mạnh tác chiến của PLA, ông yêu cầu lực lượng vũ trang áp dụng công nghệ thông tin và chiến lược hiện đại để phát triển.

Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7,5% và ngân sách nghiên cứu thêm 13,4% để thực hiện mục tiêu này, bất chấp những khó khăn về kinh tế, đặc biệt là do chiến tranh thương mại với Mỹ.

Báo cáo do Lầu Năm Góc công bố hồi đầu tháng 5 cho biết quân đội Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, điều khiển robot và máy tính lượng tử.

Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng thuộc tổ chức RAND có trụ sở tại Mỹ, cho rằng thách thức lớn nhất với Bắc Kinh hiện nay là nguồn nhân lực có trình độ cao, được huấn luyện kỹ lưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu trong chiến tranh hiện đại.

"Việc quân đội Trung Quốc theo đuổi hình thức tác chiến hiệp đồng liên quân chủng đòi hỏi binh sĩ nắm rõ sức mạnh của từng lực lượng, cũng như tính năng vũ khí trang bị. Việc thiếu hụt nhân lực có trình độ cao sẽ khiến mục tiêu này không thể hoàn thành", Heath cho biết.

Lính Trung Quốc tham gia tập trận tại Nga năm 2018. Ảnh: Xinhua.

Một cựu chỉ huy giấu tên trong quân đội Trung Quốc thừa nhận đây là vấn đề khiến Bắc Kinh lo ngại. "Tiêu chuẩn binh sĩ đã cải thiện trong những năm gần đây, nhưng Trung Quốc vẫn bị các nước tiên tiến bỏ xa. Trình độ giáo dục thấp đã dẫn tới tình trạng này", cựu chỉ huy nói thêm.

Quân đội Trung Quốc không công bố thông tin chi tiết về binh sĩ. Khảo sát năm 2010 cho thấy gần một nửa trong 2,3 triệu quân thường trực của nước này chỉ đạt trình độ trung học cơ sở, cùng gần 25% tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, thống kê năm 2008 của Tổ chức Heritage cho thấy gần như toàn bộ lính Mỹ đạt trình độ tối thiểu là trung học phổ thông.

Tình trạng học vấn thấp được phản ánh trong một bản tin của PLA Daily, cơ quan ngôn luận quân đội Trung Quốc, hồi tháng 8/2019. Theo đó, trong 15 sĩ quan chỉ huy tại một đơn vị điểm của nước này, chỉ có hai người tốt nghiệp đại học, còn lại chỉ đạt trình độ cấp hai và cấp ba.

Trình độ nghèo nàn được đánh giá là hiểm họa với quân đội Trung Quốc. Một số lính hải quân từng làm hỏng vỏ bảo vệ đài radar trên tàu khu trục lớp Sovremenny, một trong những chiến hạm hiện đại nhất của nước này, khi họ dùng các miếng cọ nồi bằng sợi thép để vệ sinh thiết bị.

"Các sự việc tương tự có thể tái diễn, ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nếu việc đào tạo không được cải thiện", nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc nói.

Bates Gill, chuyên gia quốc phòng ở đại học Macquarie tại Australia, cho rằng trình độ giáo dục là trở ngại then chốt trong tham vọng hiện đại hóa quân đội của ông Tập. "Quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào các vũ khí hiện đại, nhất là trên mặt trận điện tử và không gian. Tất cả đều đòi hỏi nhân lực chất lượng cao", Gill đánh giá.

Tàu khu trục lớp Sovremenny của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nhận ra sự thiếu hụt binh sĩ có học vấn và đang tìm cách giải quyết như tăng cường nỗ lực tuyển quân có trình độ đại học từ năm 2001, nhưng chưa đạt được nhiều thành công. Tới năm 2014, gần 150.000 trong số 400.000 tân binh Trung Quốc là sinh viên hoặc cử nhân, nhưng việc giữ chân họ phục vụ lâu dài trong lực lượng vũ trang vẫn là thử thách lớn.

Ngoài ra, hệ thống đào tạo đặt nặng về lý thuyết và giáo dục chính trị của PLA cũng là một rào cản trong quá trình hiện đại hóa và huấn luyện sát thực tế chiến đấu. "Quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng một phần không nhỏ thời gian huấn luyện được dành cho các lớp về lý thuyết và nghiên cứu các chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này có thể giúp xây dựng sĩ khí, nhưng không có tác dụng biến quân đội Trung Quốc thành lực lượng chiến đấu hiện đại hơn, có trình độ công nghệ cao hơn", Gill nhận xét.

Theo Vũ Anh (Theo SCMP)/vnexpress.net

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>