Việt Nam là thành viên ASEAN được tôn trọng và đáng tin cậy

28/07/2020 | 07:32 GMT+7

“Việt Nam là thành viên rất được tôn trọng, đáng tin cậy và có tính xây dựng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN”.

Tiến sĩ Frederick Kliem, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chủ nghĩa đa phương, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, đưa ra nhận định trên khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Singapore.

Tiến sĩ Frederick Kliem cho rằng, trong 25 năm qua, kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trở thành một phần thiết yếu của tổ chức khu vực này. Việt Nam không phải là nước thành viên ban đầu của ASEAN, nhưng đạt được tiến bộ phát triển rất nhanh trong khu vực.

Việt Nam là thành viên rất được tôn trọng, đáng tin cậy và có tính xây dựng trong ASEAN. Việt Nam là cầu nối giữa năm nước ASEAN ban đầu và các nước CLM (Campuchia, Lào và Myanmar) - những nước gia nhập sau. Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các quốc gia này.

Theo quan sát của tiến sĩ Frederick, trong vài năm qua, ở khu vực ASEAN nổi lên vai trò lãnh đạo theo từng lĩnh vực khi các nước Thái Bình Dương có vai trò chủ động hơn trong một số lĩnh vực.

Ông đánh giá Việt Nam rõ ràng đóng vai trò chủ động trong cộng đồng an ninh chính trị, đặc biệt là an ninh khu vực, an ninh hàng hải. Việt Nam luôn ở tuyến đầu trong lĩnh vực này.

Ông cho rằng với sự tôn trọng mà Việt Nam có được trong các nước ASEAN và trong cộng đồng toàn cầu, Việt Nam thực sự có thể đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực trên.

Đánh giá về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong việc dẫn dắt khối vượt qua những thách thức dịch bệnh kéo theo khủng hoảng kinh tế trong nửa đầu năm 2020, tiến sĩ Frederick Kliem bày tỏ rất ấn tượng với những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Ông đánh giá Việt Nam đã làm tốt nhất trong khu vực ASEAN, nếu không muốn nói là trên thế giới.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thực hiện những điều tốt nhất đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam đã triển khai hàng trăm cuộc họp trực tuyến ở tất cả các cấp.

Tiến sĩ Frederick Kliem khẳng định, Việt Nam đang làm tốt công việc của mình, làm tốt nhất trong hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục đưa ASEAN tiến lên. Ông nêu dẫn chứng tại Hội nghị đặc biệt về Covid-19 diễn ra trong tháng 4, Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận của các nước ASEAN đối với những đề xuất của mình.

Ông nhấn mạnh Việt Nam có thể đóng vai trò lãnh đạo bất cứ khi nào cần thiết. Việt Nam đã thể hiện sự tự tin vì kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Theo ông, Việt Nam có thể truyền kinh nghiệm phòng, chống dịch thành công cho các nước ASEAN.

Tuy nhiên, tiến sĩ Frederick Kliem nhận định trong nửa cuối năm 2020, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức tương tự nửa đầu năm trong bối cảnh chưa biết dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao. Làm thế nào để có thể tương tác với tất cả các nước thành viên trong nội bộ ASEAN và với các nước đối tác thông qua các hội nghị trực tuyến? Những vấn đề đặt ra trong chương trình nghị sự là gì? Làm thế nào để có thể đạt được sự đồng thuận đối với các vấn đề gây tranh cãi thông qua hội nghị trực tuyến? Việt Nam có thể thúc đẩy chương trình nghị sự trên cương vị chủ tịch ASEAN ra sao?

ASEAN với Việt Nam đóng vai trò chủ tịch sẽ đối phó như thế nào với làn sóng thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư của dịch bệnh Covid-19 trong nội khối khi các nước có xu hướng hướng nội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh?

Đây là những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong nửa nhiệm kỳ còn lại trên cương vị chủ tịch ASEAN.

Thách thức nữa là cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng lúc này đã trở thành hiện thực. Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tách rời nhau về kinh tế, ASEAN cần phải ở tuyến đầu tiếp tục theo đuổi thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương.

Theo VIETNAM+

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>