Bệnh viện dành riêng cho thú bông ở Nhật Bản

01/12/2020 | 08:41 GMT+7

Khi dọn dẹp nhà cuối năm, nhiều gia đình có thể vứt đi nhiều thứ đồ cũ, hư, không còn dùng đến. Trong số đó có nhiều đồ chơi, thú nhồi bông, thay vì vứt đi, những người dân ở Tokyo, Nhật Bản có thể đem chúng đến bệnh viện đồ chơi để điều trị.

Các bệnh nhân đặc biệt được chăm sóc cẩn thận và cập nhật tình hình qua website. Nguồn: JAPANTIMES

Phòng khám Natsumi ở Tokyo phục vụ những bệnh nhân với nhiều dịch vụ khác nhau. Để được nhập viện, khách hàng phải điền mẫu đơn đăng ký cho thú bông của mình trên website. Khi có xác nhận từ phía phòng khám, khách hàng điền thêm biểu mẫu khác và gởi thú bông đến địa chỉ được cung cấp. Họ sẽ không được gặp “người bạn” thú bông của mình cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Mức giá đăng ký vào bệnh viện có thể dao động từ 7.000 - 14.000 yên (hơn 1,5 triệu đến 3 triệu đồng) cho những dịch vụ tiêu chuẩn, bao gồm cả vệ sinh cơ bản. Còn đối với các phương pháp sửa chữa, phục hồi, thay thế chất liệu độn, thay thế các bộ phận của thú bông… chi phí sẽ cao hơn. Các sửa chữa cơ bản thường mất 10 ngày và tình hình của các thú bông được cập nhật thường xuyên trên website phòng khám.

Phòng khám Natsumi chuyên phục hồi, sửa chữa và làm mới những thú bông cũng như các món đồ chơi yêu thích gắn bó với chủ nhân trong thời gian dài. Người thành lập phòng khám, Natsumi Hakozaki cho biết, phòng khám ra đời khoảng 4 năm về trước ở quê nhà Sendai cô khi làm việc ở một cửa hàng sửa quần áo, có nhiều khách hàng đề nghị cô sửa giúp những món đồ chơi. Đối với nhiều khách hàng, thú bông không chỉ là đồ vật mà còn là người bạn thân thiết, thành viên trong gia đình. Bệnh nhân đến phòng khám ngoài ở Nhật Bản còn đến từ Hong Kong, Đài Loan, Pháp…

Hiện nay, phòng khám luôn bận rộn với lịch đặt kín cho đến hết năm 2020. Trung bình mỗi tháng nơi đây tiếp nhận khoảng 100 thú bông và đồ chơi khác nhau. Khách hàng đều nhanh tay đặt trước để giữ chỗ cho món đồ chơi yêu thích. Ai đến đón thú bông về đều phải ngạc nhiên vì sự thay đổi kỳ diệu của chúng qua quá trình điều trị của những bác sĩ “mát tay”.

T.NGỌC (tổng hợp từ Japantimes, Japan visitor)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>