Nghệ thuật hát bằng cổ họng của người Mông Cổ

18/12/2018 | 08:40 GMT+7

Hát bằng cổ họng là một trong những loại hình ca hát cổ nhất trên thế giới còn tồn tại đến nay ở Mông Cổ.

Hát cổ họng được xem là loại hình nghệ thuật truyền tải vẻ đẹp thiên nhiên. Nguồn: GREAT BIG STORY

Hát cổ họng bắt nguồn từ khi người dân du cư vùng thảo nguyên nghe những âm thanh xung quanh cuộc sống của họ: âm thanh của núi non, của nước chảy hay tiếng kêu của đàn gia súc trên thảm cỏ. Ở hơn 200 quốc gia trên thế giới, loại hình nghệ thuật này hiện nay chỉ tồn tại duy nhất Mông Cổ.

Hát cổ họng là một môn nghệ thuật đòi hỏi người biểu diễn kết hợp cả chuyển động của miệng, thanh quản và hàm để tạo ra nhiều nốt nhạc cùng lúc. Trước tiên người hát phải luôn giữ tư thế thẳng lưng và đeo thắt lưng ngang bụng bởi nó giúp họ điều chỉnh hơi thở ổn định khi hát. Về các tông giọng cơ bản là giống nhau nhưng khi khẩu hình miệng của ca sĩ thay đổi sẽ tạo ra các âm thanh khác nhau. Chính vì điều này nên nhiều người khi xem biểu diễn thường hiểu lầm rằng ca sĩ đang ngậm vật gì đó trong miệng để tạo ra âm thanh.

Anh Mendbayar, một ca sĩ hát cổ họng có hơn 10 năm kinh nghiệm và từng biểu diễn ở nhiều quốc gia, như: Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, Trung Quốc… chia sẻ: Đây là một bộ môn nghệ thuật đáng được trân trọng, không chỉ bởi kỹ thuật biểu diễn ấn tượng mà còn là cách để truyền tải vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương, như một kết nối giữa trời và đất. Đối với anh Mendbayar, khi trình diễn thì mọi ồn ào, căng thẳng của đời sống ở đô thị dường như tan biến. Ngoài thời gian biểu diễn, anh còn tham gia giảng dạy tại trường quốc tế về nghệ thuật hát cổ họng tại thành phố Ulaanbaatar, mục tiêu là đào tạo, uốn nắn các ca sĩ hát bằng cổ họng chuyên nghiệp trong tương lai.

THIÊN NGỌC (theo Great big story)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>