Những bức tranh ẩn sau mép sách

17/07/2018 | 09:44 GMT+7

Những bức tranh trên mép sách không thể thấy được khi cuốn sách gấp lại bình thường. Chỉ khi xòe đều phần mép cuốn sách theo một chiều thì bức tranh sẽ hiện lên như có phép thuật.

Một trong những tranh vẽ của Martin Frost hiện lên khi dàn phần mép sách đều theo một hướng. Nguồn: GREAT BIG STORY

Nghệ thuật vẽ tranh trên mép sách bắt đầu từ khoảng năm 1660. Loại hình này trở nên phổ biến vào thế kỷ 18 và được chia thành hai hình thức cơ bản: một là vẽ khi sách đóng lại và hai là vẽ khi dàn mép sách ra. Ở cách đầu tiên thì tranh hiện rõ trên mép không cần phải thao tác thêm, còn cách thứ hai thì sách mà phải xòe phần mép đều theo một hướng để tranh hiện lên, khi đóng sách lại thì bức tranh “biến mất”.

Để làm tranh dạng này thì đầu tiên người ta phải xòe mép sách thật đều và giữ cố định tư thế đó bằng một giá kẹp, sau đó vẽ những nét viền của hình ảnh và cuối cùng là tô màu. Khoảng năm 1750, chủ đề của các bức tranh thay đổi từ đơn giản và có tính biểu tượng sang các chủ đề rộng hơn về cảnh quan, chân dung người nổi tiếng, tôn giáo… Đây là một cách minh họa để làm nổi bật mép sách vốn chỉ có một màu và tạo hiệu ứng thị giác thú vị cho người xem nên từng được nhiều người yêu thích.

Đến thế kỷ 19, kỹ thuật in sách hàng loạt phát triển thì nghệ thuật vẽ tranh trên mép sách dần biến mất.. Hiện nay, chỉ còn một họa sĩ vẽ tranh trên mép sách chuyên nghiệp trên thế giới là ông Martin Frost. Ông đã học và sáng tác tranh từ năm 1970 và đến nay đã thực hiện tranh vẽ trên 3.300 cuốn sách. Hiện ông vẫn tiếp tục sáng tác tự do và theo đơn đặt hàng trong xưởng vẽ tại nhà ở hạt West Sussex, Anh. Trong xưởng vẽ, ông lưu trữ rất nhiều tranh tự sáng tác và tranh mô phỏng thu nhỏ, minh họa được thể hiện trên mép những cuốn sách nổi tiếng của Williams Shakespeare, Edgar Allan Poe… kể cả những tuyển tập truyện cổ tích, truyện dân gian đã xuất bản từ rất lâu trước đây.  Tùy theo độ dày của sách và độ phức tạp của bức tranh mà ông mất từ một vài giờ đến vài tuần để hoàn thành một tác phẩm. Giá bán cũng được quyết định dựa theo yếu tố thời gian thực hiện. Có cuốn sách dày, phần cạnh mép đủ sức “chứa” đến 2 tác phẩm, có cuốn thì ông vẽ ở 2 mặt nên có đến 2 tác phẩm trên cùng một mép sách.

Các tác phẩm của ông được bán cho các nhà sưu tập hoặc độc giả yêu sách đặt mua. Ngoài những quyển sách cổ, quý hiếm ở thế kỷ trước, ông còn tìm một số đầu sách mới phù hợp để thực hiện tác phẩm. Một trong số những cuốn sách ông thấy phù hợp để minh họa tranh hiện nay là Harry Potter.

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ Great big story, Country life)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>