Những người đưa cơm “nhà làm” ở Mumbai

14/05/2019 | 08:51 GMT+7

Thành phố Mumbai, Ấn Độ là một trong những đô thị đông đúc nhất thế giới. Ở đây cũng có hệ thống dịch vụ giao hàng truyền thống có tuổi đời 125 năm nhưng tỷ lệ sai sót thấp hơn rất nhiều dịch vụ hiện đại.

Những người đưa cơm (dabbawalas) ở thành phố Mumbai, Ấn Độ.   Nguồn: BBC

Dabbawalas là những người đưa cơm ở thành phố đông đúc và bận rộn nhất Ấn Độ. Họ giao nhận hàng ngàn phần cơm trưa mỗi ngày nhưng xác suất nhầm địa chỉ, giao nhầm người vô cùng thấp, chỉ khoảng 0,1%. Những doanh nghiệp chuyển phát nhanh mới thành lập cần phải học hỏi cách làm mà những người đưa cơm đã có lịch sử hoạt động 125 năm. Dù hệ thống quản lý không tích hợp công nghệ cao như nhiều công ty hiện nay, mà chỉ phụ thuộc vào mạng lưới tàu hỏa Mumbai và phương tiện thô sơ.

Khách hàng của họ không phải là các quán ăn hay nhà hàng mà là những người nội trợ muốn giao những phần ăn trưa đến nơi làm việc của người thân và những khách hàng này đặc biệt trung thành với các dabbawalas. Rashmika Shah, người thường xuyên thuê người đưa cơm cho chồng, cho biết: “Người đưa cơm mà tôi thuê nhiều năm rồi nên rất tin tưởng do tôi biết rõ khả năng làm việc của anh ta”. Dịch vụ này không chỉ đáng tin cậy mà còn rẻ, chỉ khoảng 800 rupees/tháng (hơn 260.000 đồng).

Hành trình những hộp cơm bắt đầu từ nhà bếp, nơi những người phục vụ nhận hộp cơm và mang chúng đến nhà ga xe lửa. Họ thường đi bộ hoặc đi xe đạp. Ga xe lửa cũng là nơi tập hợp rất nhiều người đưa cơm từ khắp nơi. Đến mỗi ga, các hộp cơm được phân loại và chất lên giá thăng bằng. Mỗi giá có thể nặng tới gần 70kg mà người đưa cơm có thể đội thăng bằng trên đầu để di chuyển nhanh qua dòng người đông đúc mà không xảy ra va chạm. Trên hộp cơm có ghi mã riêng để nhận biết địa chỉ, vị trí người nhận và chuyển đến tận tay họ.  Để đảm bảo không bị trễ giờ, họ luôn chuẩn bị trước và trừ hao phí thời gian di chuyển. Ngoài ra còn có một nhóm từ 15-20 người chờ sẵn để làm thay ngay khi có sự cố làm trễ giờ hoặc ai đó ngừng làm việc.

Hiện nay, ở Mumbai có hệ thống khoảng 5.000 dabbawalas, làm việc trong 6 ngày/tuần. Dù công việc rất vất vả, lịch trình đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ, nghiêm ngặt nhưng hầu hết các thành viên trong đội đưa cơm đều khá thoải mái trò chuyện, đùa giỡn trong thời gian rảnh. Chỉ khi đến thời gian làm việc, không khí sẽ cực kỳ nghiêm túc và căng thẳng cao độ.

Khách hàng thích những món ngon lành làm tại nhà hơn những món ăn nhà hàng, thức ăn nhanh có dịch vụ giao tận nơi. Hơn nữa, trên đường phố đông nghẹt ở Mumbai thì xe lửa, xe đạp hay đi bộ thì nhanh hơn hẳn xe máy thậm chí xe hơi. Nhờ vậy mà nhiều năm qua những người giao cơm vẫn hoạt động bền bỉ, hiệu quả theo cách riêng và “sống khỏe” dù không sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao.

THIÊN NGỌC (theo BBC)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích