Nơi làm ra loại giấy mỏng nhất thế giới

20/11/2018 | 08:06 GMT+7

Những tờ giấy washi sản xuất theo cách truyền thống ở Nhật Bản có thể đứng đầu thế giới về độ mỏng mà vẫn giữ được độ dai và bền chắc nên được dùng nhiều ở các bảo tàng và thư viện ở khắp nơi trên thế giới.

Giấy washi mỏng nhưng rất bền chắc. Nguồn: GREAT BIG STORY

Để làm loại giấy này người ta sử dụng nhiều loại cây có cấu trúc sợi dài, dai, như: cây dâu tằm, cây gai, mâm xôi… Ông Hiroyoshi Chinzei, thuộc xưởng sản xuất giấy Hidaka Washi ở tỉnh Kochi, Nhật Bản, cho biết loại giấy washi do xưởng ông sản xuất có tên gọi là tengu joshi, thuộc loại mỏng nhất. Truyền thống làm giấy này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 7, 8 và những xưởng có từ lâu đời có công thức riêng được truyền lại trong gia đình. Các xưởng tìm mua cây dâu tằm từ những người nông dân. Bước đầu, họ làm sạch, tách vỏ và loại bỏ các tạp chất trong thớ gỗ bằng tay, tiếp theo là nấu cây trong nồi lớn để làm mềm gỗ, sau đó giã ra để gỗ dễ tách rời và tước chúng thành nhiều sợi mỏng hơn. Sợi này được làm trắng và trộn với nước, keo thành hỗn hợp màu trắng sữa rồi trải đều thành lớp mỏng để tạo một tờ giấy. Bước sau cùng là mang giấy đi hong khô bằng máy hoặc phơi nắng. Để bề mặt giấy trơn, nhẵn, những công nhân làm giấy trực tiếp kiểm tra và loại bỏ tạp chất còn sót lại. Sản phẩm là một lớp giấy rất mỏng đến mức có thể nhìn xuyên qua chúng. Bởi cấu trúc sợi dài liên tục được giữ nguyên chứ không bị nghiền thành bột như các loại giấy khác nên giấy washi có kết cấu rất chắc, độ bền cao mà vẫn mịn và mềm mại.

Ngày nay, dù có nhiều loại giấy được sản xuất quy mô công nghiệp nhưng giấy washi vẫn có vị trí nhất định trong nhiều lĩnh vực, đời sống, văn hóa của người dân Nhật Bản. Giấy washi được sử dụng để vẽ tranh, viết chữ, in hoa văn, nhuộm màu lên bề mặt để trang trí… Đặc biệt, vì có độ bền cao, chắc chắn nên giấy washi có thể dùng làm giấy lót, làm nền, bao bọc bên ngoài các vật dụng… Cũng do đặc tính này mà các viện bảo tàng và thư viện thường xuyên sử dụng giấy washi để bảo quản và bảo vệ các vật mẫu, làm bìa sách. Người ta còn ứng dụng giấy này trong nội thất, dùng làm màn cửa, cửa chớp, giấy dán tường, dán đèn lồng trang trí vì chúng mỏng và nhẹ.

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ Great big story, Wikipedia)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>