Nơi người dân ở miễn phí trong pháo đài cổ

05/06/2019 | 07:59 GMT+7

Hơn 800 năm qua, hàng ngàn người được sinh sống miễn phí trong một nơi từng là pháo đài tại bang Rajasthan, Ấn Độ.

Pháo đài Jaisalmer được mệnh danh là thành phố vàng. Nguồn: BBC

Ở vùng đất xa xôi tại rìa phía Tây, bang Rajasthan, Ấn Độ, pháo đài Jaisalmer mọc lên giữa sa mạc Thar như một lâu đài cát vàng to lớn. Xây dựng từ năm 1156, pháo đài có 20 tầng làm từ sa thạch, tọa lạc trên một đỉnh đồi. Công trình có 3 lớp tường, 4 cổng và 99 ngọn tháp. Màu vàng như mật ong từ loại đá dùng xây dựng nên pháo đài nơi đây được mệnh danh là thành phố vàng. Jaisalmer cùng với các pháo đài khác ở bang Rajasthan đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Tuy nhiên, pháo đài này không đơn thuần là một biểu tượng lịch sử, kiến trúc và văn hóa ở Ấn Độ. Hơn 800 năm từ khi xây dựng, có từ 2.000-4.000 người dân được sống trong những tòa tháp kiên cố này, do tổ tiên của họ là những người đầu tiên sống ở đây, đã có công lao, cống hiến và phục vụ cho nhà vua thời đó. Như gia đình ông Vimal Kumar Gopa đã sinh sống tại pháo đài hơn 700 năm. Tổ tiên của ông đã từng làm giáo viên, phụ tá cho nhà vua từ thế kỷ 12. Đã 23 thế hệ của gia đình ông sống ở đây và sở hữu 42 căn nhà ở pháo đài cổ mà không tốn các chi phí nào khác cũng như không phải đóng tiền thuế. Tuy nhiên, chỉ có người trong dòng họ được sử dụng, không được bán hay chuyển sở hữu cho người bên ngoài.

Từ thế kỷ 16-18, nơi đây là trạm dừng chân quan trọng của Con đường tơ lụa kết nối Trung Quốc và các nước châu Âu. Ngày nay, pháo đài Jaisalmer có nhiều cửa hàng, khách sạn, quán cà phê… mọc lên phục vụ các đoàn khách du lịch tham quan, lưu trú. Con cháu, dòng dõi thế hệ sau này đã mở thêm các dịch vụ để kiếm thu nhập từ chính căn nhà họ được thừa kế.

THIÊN NGỌC (Theo BBC)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>