Trường dạy biểu diễn thú rối đầu tiên trên thế giới

13/06/2017 | 08:16 GMT+7

Tại các công viên giải trí, trung tâm mua sắm hay các sự kiện mọi người thường thấy các con vật, các nhân vật hoạt hình hoặc linh vật của một sự kiện hay tổ chức hoạt náo và thu hút sự chú ý của đám đông, nhất là trẻ em. Đó là những người trong trang phục thú rối (gọi là mascot). Bề ngoài có vẻ đây là công việc dễ dàng nhưng để trở thành một người biểu diễn rối thành công, không chỉ là khoác lên bộ trang phục to lớn và làm vài động tác đơn giản.

Cô Choko Oohiro và các học viên trong buổi học biểu diễn thú rối. Nguồn: GREAT BIG STORY

Ở Nhật Bản có một nơi đào tạo biểu diễn mascot chuyên nghiệp do cô Choko Oohira thành lập vào năm 1985 tại Tokyo. Đây có thể là nơi duy nhất tại Nhật Bản và thế giới đào tạo loại hình này. Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, cô dạy các học viên tất cả mọi thứ về loại hình biểu diễn này từ cách vẫy tay chào, tạo dáng và nhảy theo nhiều cách khác nhau trong bộ đồ hóa trang kín mít, làm sao để thể hiện một cách hoàn hảo mà vẫn cho thấy sự khác nhau của mỗi nhân vật. Ngoài ra, những người biểu diễn mascot còn học cách giao tiếp, làm cho mọi người thích thú, đặc biệt là trẻ em. 

Học viên tại nơi đào tạo có độ tuổi từ 20-50, thuộc đủ ngành nghề, từ đầu bếp, nội trợ, sinh viên, có cả những người đã biểu diễn chuyên nghiệp. Có người chỉ đến vì niềm vui thích, có người xem đây là nghề nghiệp và mong muốn làm việc ở các công viên giải trí, các sự kiện lớn. Công việc này cũng có những quy tắc cần tuân thủ. Quy tắc đầu tiên là khi đã mặc đồ hóa trang vào không được nói chuyện bởi khi giọng của họ có thể rất khác với nhân vật trong tưởng tượng của người xem. Quy tắc thứ hai là không được để người khác thấy người diễn ở bên trong bộ đồ và họ cũng không bao giờ được thay trang phục diễn ở nơi công cộng. Vì trẻ em có thể tin rằng nhân vật đó là thật nên những điều trên sẽ tiết lộ bí mật rằng đó chỉ là người hóa trang.

Khi học viên tốt nghiệp, tìm việc làm liên quan đến mascot không phải là vấn đề khó khăn ở Nhật Bản, nơi còn nhu cầu rất lớn bởi chúng rất phổ biến ở khắp nơi, từ công viên, đường phố, các trung tâm thương mại, công ty thậm chí mascot còn được đưa vào nhà tù để thay đổi hình ảnh trong mắt cộng đồng.

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ Great big story, Oddity central)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>