Âm nhạc đồng bằng như diều chờ gió...

Bài 3: Đau đáu chuyện mang tác phẩm đến người nghe

19/04/2017 | 08:00 GMT+7

Các nhạc sĩ đang tự bơi để tìm đường ra cho tác phẩm của mình. Đây là một thực tế khá buồn của âm nhạc đồng bằng sông Cửu Long.

Các nhạc sĩ ở Hậu Giang tập luyện để ra mắt nhóm hát.

Nhiều nhạc sĩ đã tự tìm tòi cách để đưa tác phẩm của mình đến với mọi người, nhưng xem ra còn gian nan lắm!

Lập nhóm hát, đưa tác phẩm lên mạng xã hội

Ở Hậu Giang, các nhạc sĩ tham gia sinh hoạt trong Phân hội Âm nhạc, thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, lẳng lặng sáng tác, tổ chức giới thiệu tác phẩm mới trong hội viên, mời một số nhà thơ để các nhạc sĩ chọn thơ phổ nhạc và cả việc tổ chức cuộc thi trong hội viên để góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện cho các nhạc sĩ nâng cao tay nghề và chọn những đề tài gần gũi, nhẹ nhàng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng. Mỗi năm, mỗi nhạc sĩ viết mới ít nhất 2 ca khúc và những dịp họp sơ kết quý, 6 tháng là “trình làng” những sản phẩm mới này, làm cho các buổi họp ấm áp, đầy sẻ chia.

Các thành viên của hội cũng đang xây dựng nhóm, để hát ở góc đường, quán cà phê theo chủ đề riêng, xen lẫn phổ biến tác phẩm mới. Khi tạo được thói quen, nhóm sẽ tìm đến trường học, phục vụ học sinh, sinh viên. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, Phân hội phó Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Mình phải tìm đến khán giả, chứ để họ tìm thì biết khi nào. Tôi đang chuẩn bị ra mắt nhóm hát này. Nghe đơn giản, nhưng phải mấy năm rồi, giờ mới gom anh em lại được để tập. Chưa biết hiệu quả thế nào, nhưng tôi luôn cố gắng để tạo một sân chơi mới, góp phần giới thiệu những sáng tác của hội viên”. Nhạc sĩ này cũng là một người đầy tâm huyết và có cách giới thiệu tác giả mới khá lạ. Mỗi khi viết xong ca khúc, bạn bè thân của anh được thưởng thức trước, có khi điện thoại và ngẫu hứng hát luôn, cũng có lúc tập hợp vài “chiến hữu”, đàn và tự hát ca khúc của mình... Mong tìm được một lời nhận xét về đứa con tinh thần.

Còn nhạc sĩ Mặc Tuân (An Giang) đã tận dụng sự tiến bộ của mạng xã hội, kết nối những nhạc sĩ, bạn bè, khi có sáng tác mới là giới thiệu, gửi cho nhau nghe. Nhạc sĩ còn tổ chức thành một nhóm, chọn những bài thơ hay để mọi người cùng phổ nhạc, rồi bình chọn những tác phẩm hay để trao giải, vừa tạo sân chơi, vừa tạo điểm để mọi người giao lưu, gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ.

Đưa lên mạng xã hội là cách được nhiều nhạc sĩ ở đồng bằng hiện nay đang áp dụng, như một cách để “trình làng” những sáng tác mới của mình và xem như cách nhanh nhất để sản phẩm của mình đến được với công chúng. Tuy nhiên, một số nhạc sĩ cho rằng, mạng xã hội quá phức tạp nên việc đưa lên mạng phải cẩn trọng.

Chờ ngày “diều no gió”…

Là ngành đặc thù, sáng tác trên giấy chỉ là bước đầu, nên muốn đến được với công chúng, tác phẩm âm nhạc phải trải qua rất nhiều giai đoạn. Nếu tác phẩm được các đài PT-TH chọn để quay và giới thiệu trên sóng truyền hình là tuyệt vời, nhưng rất hiếm hoi. Còn được các đoàn nghệ thuật chọn để xây dựng chương trình, sẽ dễ dàng hơn nữa. Nhưng nếu họ muốn tự đầu tư, phải đi hòa âm, phối khí, tìm ca sĩ hát, tìm phòng thu… Và mỗi bản nhạc thành phẩm, “rẻ” nhất là 2 triệu đồng, nhưng đó chỉ là tìm người hát nhạc của mình, còn để đưa ra công chúng và được chấp nhận vẫn còn xa xăm lắm. Nhiều nhạc sĩ cũng cho rằng, nếu các hội thi, hội diễn quy định số lượng tác phẩm cho mỗi chương trình dự thi có từ 30% những sáng tác của các nhạc sĩ trong tỉnh, thành cũng là cách phổ biến hiệu quả…

Nói thì nghe vậy, chứ đó chỉ là những cách chia sẻ, ước mong của các nhạc sĩ. Trong câu chuyện của mình, họ luôn ước mong tác phẩm của mình tìm được những tâm hồn đồng điệu và được đến với công chúng. Tại Liên hoan Âm nhạc ĐBSCL vừa tổ chức tại Hậu Giang, nhiều nhạc sĩ rất hạnh phúc vì đây là sân chơi hiếm hoi họ được giới thiệu tác phẩm của mình. Được chọn tác phẩm tham dự là một hạnh phúc, nhưng hạnh phúc quá hiếm hoi, bởi mỗi tỉnh, thành chỉ từ 3-4 tiết mục, trong số này có thể rơi vào “tay” những nhạc sĩ địa phương có chút tên tuổi. Những người còn lại vẫn tiếp tục trong cái vòng lẩn quẩn tìm đầu ra cho sản phẩm của mình và đành chấp nhận những cách như trước giờ họ từng làm. Đây cũng chỉ là những cách làm tạm thời, rời rạc. Vậy nên, cánh diều âm nhạc bay được, nhưng chưa no gió…

***

Viết một tác phẩm đã khó, để tác phẩm ấy đến được với công chúng là cả một chặng đường gian nan, nhiều khi vượt ngoài khả năng của các nhạc sĩ… Bởi vậy, nỗi buồn câu chuyện đưa âm nhạc đồng bằng đến công chúng vẫn còn hiện hữu và câu trả lời xin dành cho những người có trách nhiệm!

Có làm album cũng chỉ để tặng bạn bè…

Hàng năm, ở mỗi hội, liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành trong khu vực cũng dành một phần kinh phí hỗ trợ các nhạc sĩ làm album, nhưng số người được chọn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà theo nhiều nhạc sĩ, với thời đại công nghệ số, có làm album cũng chỉ để tặng bạn bè, đồng nghiệp, chứ làm gì có chuyện tác phẩm đến gần với khán giả, cũng chỉ là mình hát cho mình nghe...

 

Tại Liên hoan Âm nhạc ĐBSCL lần đầu tiên được tổ chức tại Hậu Giang vừa qua, nhiều nhạc sĩ rất hạnh phúc vì đây là sân chơi hiếm hoi họ được giới thiệu tác phẩm của mình. Bởi được chọn tác phẩm tham dự là một hạnh phúc, nhưng hạnh phúc quá hiếm hoi, bởi mỗi tỉnh, thành chỉ có 3-4 tiết mục, trong số này có thể rơi vào “tay” những nhạc sĩ địa phương có chút tên tuổi.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>